Phóng to |
Anh Vạng làm một đôi vòng mới - Ảnh: Hoàng Điệp |
Nhà anh Phàn Giào Vạng (42 tuổi) ở bản Lủ Khấu là một trong những ngôi nhà ở xa nhất của Tả Phìn, tít trên đỉnh núi. Để lên được nhà anh Vạng phải vượt qua nhiều đoạn đường mảnh như sợi chỉ bám chon von trên vách núi. Xa thế, cheo leo thế nhưng nhà anh Vạng luôn có nhiều người Dao ở cách Tả Phìn hàng trăm cây số tìm đến nhờ làm vòng để lo chuyện trăm năm.
Vật kết nối tình yêu
“Không nhớ đã làm bao nhiêu đôi đâu, nhiều lắm. Tôi biết làm vòng này từ hồi 13 tuổi, đôi vòng đầu tiên làm cho người em họ, đến nay đã 29 năm làm vòng cưới cho người ta rồi. Mỗi khi người Dao trong khu vực Sa Pa có con trai lớn đến tuổi lấy vợ đều nhờ tôi làm vòng cả” - anh kể.
Có khách du lịch nghe tiếng anh Vạng làm vòng tốt, nhờ đánh một chiếc vòng bạc cho trẻ con. Anh Vạng lắc đầu: “Vòng có đôi như người có cặp. Hai chiếc vòng thì vợ đeo một chiếc, chồng đeo một chiếc. Không làm vòng đơn”. Đối với người Dao, chiếc vòng trên cổ tay đàn ông, đàn bà như “giấy chứng nhận kết hôn” đối với cộng đồng và bản làng. Đôi vòng được đeo trên tay còn khẳng định sự sắt son, chung thủy và hạnh phúc của cặp vợ chồng ấy cho đến lúc chết. Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ người Dao đeo vòng cầu hôn trên tay đến khi có con dâu, nếu con dâu là người mà mình ưng ý còn có thể tặng luôn đôi vòng tay của mình như một tín vật của sự yêu quý và tin tưởng.
Như để minh chứng, anh Vạng và vợ (chị Mảy) cùng chìa ra đôi vòng tay bằng bạc mà hai người đã đeo gần 20 năm nay: “Không chỉ là vòng cầu hôn đâu, đó còn là tình cảm mà chúng tôi gắn kết với nhau nữa đấy”.
Chiếc vòng tay hình tròn khuyết một đoạn, đủ để người phụ nữ nghiêng chiếc xương cổ tay nho nhỏ để đeo vào, được chạm khắc rất nhiều hoa văn bé xíu: đó là đôi bướm, mắt rồng, con rồng (thể hiện tín ngưỡng), là chiếc xoáy trên đỉnh đầu, là đôi lông mày lá liễu của người phụ nữ (cái đẹp), là hình chiếc xương của con cá (thực phẩm), là hạt dưa để trồng trên nương, là hạt thóc đang mọc mầm được ủ trong ang (hạt giống)...
“Khi người ta đến đặt đánh vòng đều nói tên người được tặng là gì để tôi có thể khắc tên lên đó. Hoa văn của chiếc vòng có thể giống nhau nhưng nhìn vào tên người phía trong đều phân biệt được hết”. Anh Vạng kể rồi mang bộ đồ nghề đánh vòng bạc ra: một chiếc đèn khò, một chiếc gáo nhỏ xíu bằng sắt tây để nấu bạc, một chiếc đục bé tí ti để chạm. Ngoài ra còn bốn thanh bạc lớn chưa được làm thành vòng. “Của mấy đám bên Tả Van (huyện Sa Pa) họ đặt để cưới vợ cho con nhưng mấy hôm nay bận quá chưa làm được. Để làm được đôi vòng cưới ít nhất phải ba ngày. Làm thủ công nên mất thì giờ lắm” - anh nói.
Cầm chiếc đục chạm có lưỡi nhỏ xíu, khẽ khàng chạm lên thanh bạc trắng những nét mảnh như sợi chỉ. Đôi tay người thợ thận trọng và tỉ mỉ bởi những hoa văn quá nhỏ nên anh Vạng chỉ có thể làm lúc sáng và trưa, còn chiều muộn thì không đủ ánh sáng.
Chiếc khăn đeo chuông
Chị Mảy đã 40 tuổi nhưng đôi má vẫn hồng đào dù gió trên núi đá thổi thông thốc. Chiếc khăn bịt đầu màu đỏ rực kêu lên những tiếng rung reng vui tai. Đó là chiếc khăn chị rất đỗi tự hào, bởi khăn màu đỏ thì phụ nữ người Dao nào cũng có, nhưng không phải khăn của ai cũng có những tiếng rung reng vui tai như chiếc khăn của chị Mảy.
Tiếng rung reng rộn ràng này được tạo ra bởi những cặp chuông bạc nhỏ xíu bằng hạt ngô mà chồng chị Mảy đã dành cả năm trời tỉ mỉ đúc, chạm khắc, kéo sợi bạc tạo thành.
36 đôi chuông và 36 hào bạc để trang trí được làm từ bạc nguyên chất. Chị Mảy khoe: “Có nhiều khách hỏi mua lắm nhưng tôi không bán”. Riêng 36 đôi chuông này được làm từ 12 đồng bạc trắng, còn đồng tiền xu be bé chính là những đồng hào Đông Dương được lưu hành từ rất lâu mà bà con người dân tộc giữ được. Đối với người phụ nữ Dao Đỏ, chiếc khăn và những tiếng rung reng không chỉ là phong tục mà còn là niềm hãnh diện.
“Chỉ tranh thủ làm khi ông mặt trời rọi những tia nắng xiên qua cửa nhà” - anh Vạng nói. Để làm được quả chuông bé xíu đó, người thợ phải dành ra rất nhiều công đoạn: dàn đồng bạc thành mảnh mỏng, làm phẳng, đánh bóng, chạm hoa văn, khâu cuối cùng là hàn thành quả cầu bạc và phía trong có một viên bi bằng bạc. “Mỗi ngày tôi chỉ làm được một đôi chuông thôi” - anh Vạng kể.
Anh Lý Quẩy Phin - người đội 2, xã Tả Phìn - cũng là một người có thể làm được vòng đeo tay và chuông đeo khăn. Nhưng “dạo này mình mua được cái xe máy nên chạy xe ôm ngoài Sa Pa, có khi dẫn khách về Tả Phìn luôn nên thôi không làm vòng nữa”. Anh Phin không làm vòng nữa nhưng kỹ thuật làm vòng anh học được từ cha thì vẫn không quên. “Mình nhìn bố mà học theo thôi, nhưng mình không làm thì con mình không học theo được. Đến đời cháu mình có khi lại phải đi nhờ người ta đánh vòng cho ấy chứ” - anh dí dỏm nói.
Người Dao có thói quen chỉ dùng mỹ nghệ được làm từ những đồng bạc Thái. Trước đây tìm những đồng bạc này cũng dễ nhưng giờ thì khó khăn hơn nên mỗi hào bạc có giá đến 800.000 đồng, một đồng bạc có giá 1,3 triệu đồng. Vậy nên tìm được 36 hào bạc và 12 đồng bạc trắng (làm chuông) cho một chiếc khăn không phải dễ.
“Vậy nhưng trang phục vẫn phải mặc và trang sức cũng vẫn phải đeo. Vậy nên, trong nhiều gia đình người Dao không có điều kiện, chỉ trừ đôi vòng cầu hôn nhất quyết phải làm bằng bạc, còn lại những thứ khác đều được thay bằng nhôm hết” - anh Lý Quẩy Phin nói.
Dọc đường ra khỏi nhà anh Vạng, trên con dốc nhỏ đôi vợ chồng người Dao đi uống rượu dưới bản trở về. Người chồng say rượu nằm vật bên ven đường, người vợ nhẫn nại ngồi bên cạnh. Trên cổ tay bà, đôi vòng tay bằng bạc sáng lấp lánh.
Vòng tình yêu
“Đứa con trai người Dao nếu thấy ưng đứa nào thì bảo cha mẹ đánh một đôi vòng rồi mang đến nhà người con gái. Nếu đứa con gái nhận mà không trả lại thì có nghĩa là nó ưng rồi, còn nếu không ngày hôm sau sẽ mang vòng đi trả. Trả đi trả lại ba lần là người con trai phải hiểu rằng đứa con gái nhất quyết không muốn làm vợ mình” - anh Lý Quẩy Phin kể về vai trò và sứ mệnh của đôi vòng cầu hôn như thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận