Ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch là câu chuyện không hề mới tại Việt Nam, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp triệt để. Bên thềm Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2023, tọa đàm "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" đã được mở ra để tìm ra cách tạo môi trường du lịch xanh, bền vững.
Cần giải pháp đồng bộ
Trình bày tham luận tại hội thảo, chị Vũ Mỹ Hạnh - đại diện nhóm làm việc về quản lý rác thải tại nguồn ở Hội An - cho biết rác thải nhựa thực tế cũng đều là rác thải sinh hoạt nên điều quan trọng là công tác phân loại rác thải tại nguồn.
Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An (Quảng Nam), vào thời điểm du lịch bùng nổ năm 2019 lượng rác thải phát sinh tại Hội An là 37.188 tấn (tương đương hơn 101 tấn rác thải/ngày).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Hội An được vinh danh là một trong bốn điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á. Đó là nhờ sự thực hiện đồng bộ các chính sách để thực hiện du lịch "không rác thải".
"Chúng tôi có các tổ chức cung cấp các giải pháp được đặt chính tại địa phương, rác thải được phân loại rác tại nguồn đến nơi đến chốn.
Đến nay, hơn 50 cơ sở du lịch đã cam kết thực hiện giảm rác thải nhựa, góp phần xây dựng "Hội An - điểm đến xanh", chị Hạnh chia sẻ.
Còn ông Phạm Hà - CEO Lux Group, đơn vị hoạt động du thuyền trên vịnh Hạ Long - chia sẻ “chúng ta tự hào có kỳ quan thiên nhiên tươi đẹp, nhưng vịnh Hạ Long mênh mông rác”. Trong khi “du khách ngày càng có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường” thì “việc quản lý điểm đến của Việt Nam nói chung lại rất yếu kém”.
“Ví dụ, Hạ Long ô nhiễm không phải do khách du lịch hay các du thuyền hoạt động trên vịnh mà đến từ việc quản lý điểm đến của địa phương.
Ở Hạ Long, người dân địa phương nuôi trồng thủy hải sản quá nhiều và khi bị cấm thì họ phá bỏ rồi để trôi trên vịnh. Nên khi khách du lịch tham quan vịnh nhìn thấy đã tạo nên sự phản cảm lớn.
Theo tôi, các điểm đến cần trách nhiệm hơn trong việc xây dựng Việt Nam thành điểm đến xanh, biến điều đó trở thành điểm mạnh của điểm đến, như Hội An được khách Tây Âu rất yêu thích và muốn ở lại lâu dài", ông Hà nói.
Những người làm du lịch cần tiên phong
Ông Vũ Thế Bình - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - chia sẻ: "Chúng ta vẫn nói kêu gọi chính quyền, các tổ chức ủng hộ nhưng chúng ta không làm thì ai ủng hộ. Các doanh nghiệp, những người làm du lịch cần tiên phong giảm rác thải nhựa và tăng cường tuyên truyền mạnh hơn nữa".
Để người dân địa phương cùng bảo vệ môi trường, bạn Giàng A La - Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình) - đã kêu gọi mỗi hộ gia đình trong bản hãy tạo ra một sản phẩm du lịch để cùng phát triển địa phương.
"Nếu chỉ kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường thì không ai quan tâm cả, họ cần thấy được lợi ích của mình trong đó. Khi thấy lợi ích của mình họ sẽ tự giác làm", Giàng A La nói.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ triển khai dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" với sự đồng hành của Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) và UNDP Việt Nam.
Dự án này sẽ được đưa vào thí điểm một số điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận