19/11/2015 10:50 GMT+7

Người làm đổi thay một ngôi trường

ĐOÀN CƯỜNG (doancuong@tuoitre.com.vn)
ĐOÀN CƯỜNG ([email protected])

TT - Ai đi qua Trường mầm non Bình Minh (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cũng sẽ ngạc nhiên vì một ngôi trường công lập nhưng có thiết kế rất lạ, đẹp mắt.

Cô hiệu trưởng Nguyễn Quốc Thư Trâm vào lớp học kiểm tra giấc ngủ của trẻ  Ảnh: Đoàn Cường
Cô hiệu trưởng Nguyễn Quốc Thư Trâm vào lớp học kiểm tra giấc ngủ của trẻ - Ảnh: Đoàn Cường

“Từ khi cô Trâm về làm hiệu trưởng đã thay đổi Trường mầm non Bình Minh rất nhiều. Số lượng học sinh tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Trường công nhưng không hề thua kém trường tư về chất lượng chăm sóc trẻ. Từ giáo viên đến chị phụ bếp luôn tận tình chăm lo, thay đổi khẩu phần ăn cho trẻ

Chị Ông Thị Thanh Vân (hội trưởng hội phụ huynh học sinh Trường mầm non Bình Minh)

Điều thú vị còn đến từ những đồ chơi, đồ trang trí ở đây đều được tận dụng từ đồ phế thải như lốp xe, tre, trúc.

Trường mầm non Bình Minh giờ đã đạt chuẩn quốc gia, nhưng ít ai biết rằng trước đây trường là một “điểm nóng” về tuyển sinh, vì tuyển liên tục nhưng không có học sinh. Hiện Trường mầm non Bình Minh có sĩ số học sinh tới 270 em, trong khi vài năm trước trường chỉ có... 40 học sinh. Người làm nên sự thay đổi kỳ diệu này là cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - hiệu trưởng.

Giật mình từ một bài học

Trường mầm non Bình Minh nằm ở khu vực người lao động, ngư dân nghèo sinh sống. Bốn năm trước, cả trường chỉ có 40 học sinh, bốn lớp học và 13 giáo viên, độ tuổi trung bình của giáo viên là 48.

Phần vì phụ huynh lo làm ăn, không có điều kiện cho con em đi học. Rồi không ít phụ huynh thấy trường xập xệ, chất lượng không đảm bảo nên cho con đi học chỗ khác. Tháng 11-2011, cô Trâm lúc đó đang làm phó hiệu trưởng một trường trung tâm, được cấp trên đề nghị về làm hiệu trưởng tại đây.

“Lúc đó, tôi không biết Trường Bình Minh nằm chỗ nào. Nhờ chồng chở đến nơi thì thấy sốc trước cảnh tượng trường lớp ở đây. Hàng rào bằng sắt gỉ sét phơi đầy quần áo, chăn, mền... Sân trường thì cỏ mọc um tùm lút đầu người. Nền lớp học nứt nẻ, mưa xuống phải lấy thau mà tát nước. Nhìn khung cảnh này xong tôi bật khóc và không chịu nhận quyết định” - cô Trâm nhớ lại.

Nhưng cũng đúng lúc này, một bài học của lớp quản lý giáo dục mà cô Trâm đang theo học đã làm cô bừng tỉnh.

“Khi làm bài tập biến nguy cơ thành thách thức, cơ hội phát triển, tôi ngớ ra: Không lẽ mình học vầy, thực tế hiển hiện trước mắt là Trường mầm non Bình Minh mà không áp dụng được, học có ý nghĩa gì. Mình còn trẻ mà!” - cô Trâm suy nghĩ.

Vẫn chưa vội nhận quyết định hiệu trưởng, cô Trâm lại nhờ chồng đi “thị sát” thêm 2 - 3 lần nữa để trả lời cho được câu hỏi: “Vì sao trường không có học sinh?”. “Những lần tiếp theo đi thực tế tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong khi hơn 28 trường mầm non của quận đều có toilet ngồi, thì các cháu ở đây vẫn phải ngồi xí xổm” - cô Trâm chia sẻ. Những lần sau đó, cô đến nhà người dân địa phương hỏi thẳng: “Vì sao anh (chị) không cho con học ở trường?”.

Người thì nói trường xập xệ không yên tâm, người lại bảo chất lượng dạy học không bằng nơi khác...

Sau khi đã tìm ra căn nguyên, cuối tháng 11-2011, cô Trâm quyết định đến gặp lãnh đạo phường để xin kinh phí sửa sang trường lớp. Nhưng do cuối năm việc bố trí ngân sách không được, nên phường sẽ lo đơn vị thi công và thủ tục. Sang năm phường sẽ cho ứng ngân sách để trả lại. Cô Trâm lại về trường vận động giáo viên cho mượn tiền sửa trường lớp, nhưng không nhận được sự hưởng ứng.

“Ra tết là phải có trường lớp mới mẻ để tuyển sinh. Vì thế tôi lấy sổ tiết kiệm của vợ chồng được 70 triệu đồng để mua vật liệu thi công. Còn phường đứng ra bảo lãnh sang năm sẽ hoàn lại kinh phí” - cô Trâm nhớ lại.

Ngay sau đó cô Trâm cho lát nền, sơn sửa, lắp kính lại sáu phòng học, mở thêm phòng năng khiếu, nha học đường. Thay “áo” mới cho trường lớp xong, cô đi chụp ảnh tất cả các phòng vệ sinh, hàng rào của trường, xin lên gặp ông chủ tịch quận để trình bày. Và chỉ sau 15 phút, ông chủ tịch đồng ý đầu tư cho các hạng mục cô Trâm đề nghị, cho triển khai gấp trong tháng 1-2012.

Bước đi táo bạo

Để có đồ chơi cho học sinh, các giáo viên của trường lại sáng tạo bằng cách đi xin lốp xe, bàn ghế cũ về thiết kế lại thành những món đồ xinh xắn. Năm 2013, sau hội hoa tết, cô hiệu trưởng cùng các giáo viên phải chạy vạy đi xin tre về để làm đồ chơi và dụng cụ học tập.

Điều thú vị là những đồ chơi dành cho trẻ khuyết tật này đã đạt giải A cuộc thi thiết kế đồ dùng cho trẻ, do Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức. Bộ GD-ĐT cũng cử đoàn vào thực tế tại trường về cách làm này...

Song song đó, Trường mầm non Bình Minh bắt đầu siết lại chất lượng chăm sóc trẻ. Sau khi tiếp thu ý kiến phụ huynh về giờ mở cổng trường 6g45 là quá trễ, thức ăn nấu cho trẻ còn quá nóng, giáo viên buổi trưa hay về nhà... cô Trâm đã xin cơ chế cho trẻ hóa giáo viên trong trường. Mỗi lớp một giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm và một giáo viên trẻ. Mỗi tuần có hai giờ để lắng nghe góp ý của phụ huynh. Các giáo viên thường xuyên cập nhật món ăn mới từ sách, báo, mạng để thay đổi khẩu phần ăn cho trẻ...

Với những bước đi táo bạo của cô hiệu trưởng, số học sinh tăng lên gấp đôi từng năm, từ 40 cháu năm 2011 - 2012, năm sau tăng lên 140, và giờ đây là 270. Năm 2013, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Trường mầm non Bình Minh cũng trở thành một trong rất ít trường nhận trẻ khuyết tật chăm sóc. Cô Trâm cho biết: “Tôi có con trai đầu bị bại não và mất nên rất hiểu. Phụ huynh có con khuyết tật đưa đến một số trường thường bị từ chối khéo, vì chăm sóc một em khuyết tật vất vả gấp năm em bình thường. Nhưng đâu cũng vậy thì sao các em hòa nhập được?”.

Vì thế mỗi năm Trường Bình Minh nhận khoảng năm trẻ khuyết tật. Không chỉ vậy, Trường Bình Minh còn mạnh dạn nhận trẻ 13 tháng tuổi. “Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng với giáo viên, bởi nhận độ tuổi này chăm sóc rất vất vả. Nhưng có chăm tốt thì trẻ lớn lên phụ huynh lại gửi tiếp. Khi đông trẻ, cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải vào bồng các cháu” - cô Trâm chia sẻ.

Cô Trâm còn cho biết hiện trường đang làm đề án thí điểm nhận trẻ 6 tháng tuổi. Đây sẽ là trường công lập đầu tiên của Đà Nẵng nhận các cháu có độ tuổi nhỏ như vậy. Theo cô Trâm, năm 2017 UBND TP Đà Nẵng sẽ đầu tư vào cơ sở 2 của trường khoảng 3 tỉ đồng, để thực hiện đề án thí điểm trên.

ĐOÀN CƯỜNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp