Người khuyết tật có thể được cấp giấy phép lái xe - Ảnh: T.T.D.
* Bạn đọc Lưu Cường (TP.HCM) phản ảnh: "Tôi là người khuyết tật (cụt trên đầu gối trái). Ngày 25-6, tôi có đến trường dạy lái xe ở Sóng Thần đăng ký học và thi bằng lái xe B1 cho người khuyết tật thì được nhân viên tại đây hướng dẫn: "Người khuyết tật phải đến trung tâm giám định y khoa để giám định mới được học bằng lái xe".
Đến Trung tâm Giám định y khoa TP.HCM lại được trả lời trung tâm chỉ giám định khi có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức hay công ty đến giám định mức độ thương tật để hưởng chế độ, chính sách.
Trung tâm này không khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người học bằng lái xe. Nhân viên ở đây hướng dẫn tôi về các bệnh viện tuyến quận huyện để khám. Tôi đến bệnh viện quận khám và sau đó trường dạy lái xe không tiếp nhận hồ sơ người khuyết tật".
Bạn đọc Trần Quốc Thuận (đang sống ở quận 2, TP.HCM) thắc mắc: "Tôi bị teo một phần tay trái nhưng không mất hoàn toàn chức năng cử động.
Đầu năm 2020, tôi nhiều lần đến các trường dạy lái xe trên địa bàn TP.HCM yêu cầu được tư vấn nộp hồ sơ thi bằng lái A1, B1 nhưng đều bị các trường từ chối hoặc hướng dẫn vòng vo.
Người khuyết tật chúng tôi cũng có nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại mưu sinh. Theo tôi tìm hiểu thì Nhà nước đã có quy định người khuyết tật được đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái môtô hạng A1, ôtô hạng B1 (ôtô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) với xe số tự động.
Hàng triệu người khuyết tật chắc chắn cũng đang cùng nỗi niềm như tôi. Làm thế nào để chúng tôi được học và được cấp bằng lái xe?".
- Ông Ngô Đình Quang (trưởng phòng quản lý sát hạch và cấp phép lái xe Sở GTVT TP.HCM) cho biết việc đào tạo và cấp giấy phép lái xe với người khuyết tật tùy vào trường hợp, mức độ khuyết tật, loại xe điều khiển.
Những trường hợp được cơ sở y tế kết luận đủ sức khỏe học và thi thì các trường tạo điều kiện nộp hồ sơ học và thi.
Người khuyết tật muốn được học và thi phải có giấy khám sức khỏe của các cơ sở đủ điều kiện cấp, loại xe học và thi cũng là loại xe chuyên dụng cho người khuyết tật được cơ quan đăng kiểm cấp giấy đăng kiểm.
Cụ thể, giấy khám sức khỏe này bắt buộc phải thuộc 1 trong 37 cơ sở y tế do Sở Y tế cấp phép hoặc các bệnh viện của trung ương cấp. Danh sách 37 cơ sở này được Sở GTVT TP.HCM đăng tải trên website rất đầy đủ, chi tiết. Người dân có thể tham khảo để thực hiện đúng, không lãng phí thời gian.
Người khuyết tật thi bằng lái môtô thì loại xe sát hạch phải là xe ba bánh của người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số.
Trường hợp người khuyết tật thi bằng lái ôtô thì xe thi và xe sử dụng phải có kết cấu phù hợp để các tay chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vôlăng lái vừa dễ dàng điều khiển gạt cần tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa... khi lái xe.
Tất cả phải theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ôtô, được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận