20/01/2017 09:23 GMT+7

Người không... răng

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Anh B.Q.L. (Biên Hòa) mắc hội chứng không có răng bẩm sinh vừa được mổ thành công ở Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM).

Ca phẫu thuật bệnh không răng bẩm sinh - Ảnh: Quang Định
Ca phẫu thuật bệnh không răng bẩm sinh - Ảnh: Quang Định

Anh L. hồi phục tốt sau bốn tiếng phẫu thuật bởi TS.BS Võ Văn Nhân hôm 13-1.

Ca bệnh hiếm

Hội chứng không răng bẩm sinh là tình trạng người bệnh không có răng bẩm sinh ở hàm răng sữa hoặc hàm răng vĩnh viễn. Đây là bệnh cực kỳ hiếm gặp, là một trong những dạng nghiêm trọng của hội chứng loạn sản ngoại bì (một tình trạng rối loạn về mặt di truyền).

Bác sĩ Nhân đã áp dụng cùng lúc hai kỹ thuật phức tạp là dời dây thần kinh hàm dưới và cấy ghép implant xương gò má để phục hồi toàn bộ răng hàm trên và hàm dưới.

Đây là kỹ thuật phức tạp nhưng mang lại tỉ lệ thành công cao (98-100%). Ngoài ra, phương pháp này còn có ưu điểm giảm số lần phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện, thời gian điều trị. Đồng thời cho phép người bệnh có răng tạm cố định tức thì sau phẫu thuật.

23 năm và ký ức một chiếc răng

Vào năm L. hơn 1 tuổi, có một chiếc răng mọc sâu bên trong ở hàm dưới. Đây là chiếc răng duy nhất mà L. có, đến năm 10 tuổi thì răng này hư và bị nhổ đi.

Cũng thời gian này, “gia đình đưa L. đến một bệnh viện lớn ở TP.HCM để khám. Sau khi xem các phim X-quang, bác sĩ kết luận không có mầm răng. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ dừng lại tại đây và chưa có hướng giải quyết nào” - ông B.Q.H., ba của L., kể.

Nhưng gia đình không dừng lại đó, mà vẫn tiếp tục hành trình tìm cách khắc phục cho con qua nhiều bệnh viện từ Biên Hòa đến TP.HCM. Và từ đó đến trước khi bước vào lần phẫu thuật này, L. đã 4 lần thay hàm răng giả.

Tuy nhiên, hàm giả lúc này chỉ mang tính thẩm mỹ cho người bệnh, chứ không giải quyết được các sinh hoạt cơ bản là... ăn.

Do không có răng nên xương hàm tiêu nghiêm trọng, hàm giả dễ di động, do đó sức ăn nhai kém. Quan trọng hơn hết là ảnh hưởng đến mặt tâm lý của anh L. qua từng thời kỳ phát triển.

Qua nhiều lần khám và theo dõi, bác sĩ Nhân cho biết: “Trường hợp của anh L. rất đặc biệt, xương hàm trên bị tiêu xương trầm trọng sát đáy xoang hàm, xương hàm dưới bị tiêu xương và lộ dây thần kinh. Việc tiên lượng để không làm đứt dây thần kinh cũng như khắc phục các biến chứng có thể xảy ra đã được nghiên cứu rất kỹ khi quyết định áp dụng cùng lúc hai kỹ thuật trong ca mổ”.

Cần phát hiện sớm

Theo BS Nhân, có khoảng 1/100.000 trường hợp mắc bệnh này. Hội chứng loạn sản ngoại bì được biết có hơn 120 dạng. Loạn sản ngoại bì giảm tiết mồ hôi là loại phổ biến nhất của chứng bệnh này.

Theo ba anh L.: “Từ khi mới sinh L. đã quấy khóc ròng 2 tháng trời, ba mẹ chở đi chơi ngoài đường mát mẻ thì không sao, về nhà lại khóc. Gia đình lúc đó còn khó khăn, nhưng lắp máy lạnh trong phòng cho cháu thì cháu thôi quấy khóc do nóng”.

Ngoài ra, hội chứng còn có đặc điểm dễ nhận biết là ít tóc, không có tuyến bã nhờn, không có tuyến mồ hôi.

Người bệnh thường có những biểu hiện qua ngoại hình như cầu mũi lõm, môi trề, bờ trên ổ mắt nhô, má hóp, vùng da xung quanh mắt bị tăng sắc tố và nhăn nheo.

Biểu hiện trong miệng gồm răng hình cọc hoặc hình chóp nhọn, thiếu răng hoặc mất răng hoàn toàn ở hàm răng sữa hoặc răng vĩnh viễn, răng có hình dạng bất thường, răng thường bị thưa, chậm mọc răng vĩnh viễn, xương ổ răng kém phát triển, cung khẩu cái cao hoặc có khe hở ở khẩu cái.

Người bệnh cũng có dấu hiệu giảm sản ở tuyến nước bọt và thiếu các tuyến phụ trong miệng, dẫn đến giảm tiết nước bọt và môi khô nứt nẻ.

Việc điều trị răng miệng cho người bệnh không răng bẩm sinh không có thời gian xác định, tuy nhiên theo BS Nhân, nếu phát hiện sớm thì tình trạng người bệnh sẽ được cải thiện tốt hơn, an toàn hơn.

Đối với trường hợp anh L., khi thực hiện một trong hai kỹ thuật là vấn đề khó khăn, trong khi kết hợp hai kỹ thuật này trên cùng một người thì mức độ khó khăn và thách thức có thể gia tăng gấp nhiều lần cả về khía cạnh phẫu thuật, phục hình răng, phục hồi chức năng nhai và thẩm mỹ. Do vậy đến nay, trên thế giới có ít ca thực hiện thành công đồng thời hai kỹ thuật này.

Chàng trai L. cao 1,75m đang học cao học khoa văn chương, đã sống 23 năm không có răng nên việc ăn uống dường như khác hoàn toàn mọi người, chỉ ăn được thức ăn mềm hoặc lỏng. “Nếu không vậy thì nhai sẽ bị đau” - L. cho biết trước khi bước vào ca mổ.

Sau mổ, anh L. có thể lắp hàm răng giả và sau 4 tháng có thể lắp răng sứ cố định, sinh hoạt bình thường. Cấy ghép implant kết hợp với ghép xương tăng thể tích xương mất, giúp tăng sự lưu giữ của hàm giả, tăng sức nhai, cải thiện thẩm mỹ tối ưu.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp