Nhà máy nước Sông Đuống, một trong những dự án tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước sạch tại Hà Nội - Ảnh: M.C.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính, Học viện Tài chính - cho biết tại tọa đàm Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam, thị trường và các vấn đề chính sách, do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), tổ chức ngày 26-4, tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường: "Những hộ gia đình không có hộ khẩu tại Hà Nội đang mua nước sạch với giá 18.500 đồng/m3, gấp khoảng 3 lần khung giá nhà nước, trong khi giá trung bình bán cho hộ kinh doanh tại Hà Nội chỉ khoảng 13.400 đồng/m3.
Tôi đã đi hỏi nhưng không có cơ quan nào quản lý chuyện này, Hà Nội đang là thành phố lạc hậu trong quản lý nước sạch, thủ tục mua nước sạch rất phức tạp, trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng thì thủ tục mua nước sạch rất đơn giản".
Theo báo cáo đánh giá bước đầu về quyền tiếp cận nước sạch và thị trường nước sạch ở Việt Nam do IPS thực hiện, khung giá bán nước sạch sinh hoạt của các địa phương hiện nay không có sự chênh lệch quá lớn. Khung giá bán nước sạch sinh hoạt cho người dân tại Hà Nội khoảng 6.000 đồng/m3, TP.HCM 6.700 đồng/m3, Đà Nẵng 2.800 đồng/m3.
Với giá bán nước sạch trung bình khá thấp này, nhiều địa phương đang phải bù giá nước sinh hoạt cho người dân. Chẳng hạn, thành phố Hà Nội đang mua nước từ các nhà máy sản xuất nước sạch khoảng 7.000 đồng/m3, nhưng bán cho các hộ dân chỉ khoảng 6.000 đồng/m3, bù lỗ 1.000 đồng/m3.
Và trong 10 năm qua, thành phố Hà Nội gần như không điều chỉnh giá bán nước sạch nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch cho rằng nếu không tăng giá bán nước sạch thì họ không đủ chi phí cho sản xuất.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: Đ.T.
Bàn về giá bán nước sạch sinh hoạt hiện nay, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng IPS, cho rằng giá bán nước sạch sinh hoạt trước tiên phải ở mức phù hợp với số đông người dân.
Tuy nhiên, giá mua nước sạch từ các nhà máy sản xuất nước sạch cũng phải đủ hấp dẫn để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư các nhà máy sản xuất nước sạch. Vì thế, nhiều địa phương đang áp dụng chính sách bù giá cho nước sạch.
"Điều đáng lưu ý là giá mua nước sạch từ các nhà máy quá thấp sẽ không kích thích được tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch, ảnh hưởng tới mục tiêu mở rộng, tăng độ phủ của mạng lưới cấp nước sạch, nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, đặc biệt ở vùng nông thôn" - ông Đồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường lại cho rằng, thuế, phí với ngành nước ở ta rất ưu đãi, gần như bằng không, giá bán nước sạch đã hợp lý hay chưa thì cần có kiểm toán độc lập cho phí sản xuất, phân phối để làm rõ, trước khi xác định giá bán nước sạch cho phù hợp.
Để có một cơ chế hài hòa, bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch của mọi người dân, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước sạch, ông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị, Nhà nước nên độc quyền trong khâu phân phối nước sạch, chỉ nên khuyến khích tư nhân tham gia vào khâu sản xuất nước sạch. Như vậy sẽ hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối nước sạch.
Theo báo cáo đánh giá bước đầu về quyền tiếp cận nước sạch và thị trường nước sạch ở Việt Nam do IPS thực hiện, có khoảng 52,2% hộ dân trên cả nước đang sử dụng nước sạch (nước máy).
Trong đó, tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch của 5 thành phố trực thuộc trung ương lần lượt là: Đà Nẵng đạt 96,1%, TP.HCM đạt 91,5%, Cần Thơ đạt 90,9%, Hải Phòng đạt 85%, Hà Nội đạt 66,5%. Các tỉnh có tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp nhất cả nước hiện nay là Nghệ An (25,09%), Thanh Hóa (28,6%), Thái Nguyên (29,9%), Lâm Đồng (31,9%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận