Phóng to |
Câu trả lời là có, ít ra là với những nhân vật trong phim truyền hình Mùi vị hạnh nhân và một đôi tình nhân là cựu phạm nhân và người mua phế liệu...
Yêu nhau lòng có chợt từ bi?
Vẫn là câu chuyện về tình yêu và lập nghiệp của giới trẻ tại đô thị lớn, Mùi vị hạnh nhân (đang phát sóng trên kênh HTV7 - Đài truyền hình TP.HCM từ ngày 27-10) xoay quanh bốn nhân vật trẻ Soái, Thái Bình, Khánh Hân và Lan Vy - một tứ giác tình yêu giữa họ cùng những quan hệ phức tạp xung quanh. Soái - gã giang hồ lương thiện bị người đời xem thường nhưng chưa bao giờ thôi sống tốt. Dưới mắt người đời, gã là “đồ bỏ đi” bởi đã dính đến xã hội đen, sống cuộc đời của sói đêm thì làm sao là người đàng hoàng được. Khánh Hân, cô ca sĩ thanh sắc vẹn toàn, có phần hơi ngu ngơ nhưng tâm hồn trong sáng. Thái Bình, bartender mơ mộng với một quán bar làm từ phế liệu và Lan Vy - cô bé DJ mồ côi, chỉ có một người anh xã hội đen làm chỗ dựa cho mình.
Soái và Thái Bình đều yêu Khánh Hân trong khi Lan Vy yêu Thái Bình, còn Khánh Hân thì có lúc gió thổi sang Soái có lúc lại ngả về Thái Bình.
Soái, cuối cùng có được yêu hay không? Các khán giả trẻ bắt đầu bàn tán. Chìm sâu trong vòng ân oán giang hồ, Soái vẫn luôn bộc lộ tâm hồn hướng thiện của mình với đức tính của một đấng trượng phu, lúc nào cũng sẵn sàng cứu vớt kẻ yếu đuối. Khánh Hân có tình cảm với Soái, nhưng liệu cô có vượt qua được rào cản để yêu “đồ bỏ đi” này hay không. Còn Thái Bình, liệu anh có thể yêu Lan Vy khi cô bé ấy là em của Soái - một gã giang hồ?
Những người trẻ ấy liệu có thể “lòng chợt từ bi bất ngờ” và đến với nhau, từ trái tim và vứt bỏ những rào cản tâm lý không? Khán giả vẫn đang dõi theo bộ tứ này.
Vì yêu mà được tái sinh
Câu chuyện của anh Nguyễn Trường (quận 12, TP.HCM) làm không ít người cảm động khi biết chuyện. Anh làm khuân vác, còn chị Kim Nhường là người mua bán phế liệu. Họ gặp nhau ở... bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn) từ mười năm trước, nhưng dùng dằng mãi đến giữa năm nay mới tiến tới với nhau.
Anh Trường chia sẻ trong nỗi xúc động: “Tôi biết mình có quá khứ không tốt. Nhìn một người mới ra tù như tôi, đâu có mấy ai tin tưởng. Nhiều lúc ngồi nhìn bãi rác, tôi thấy mình cũng... là rác. Gia đình Nhường nghèo nhưng gia giáo nên...”. Mười năm, anh chị đã thuyết phục được bố mẹ chị Nhường sau năm chuyến anh Trường lặn lội ra Bắc, lên tận Hà Giang.
Chị Nhường khẳng định chắc chắn: “Tôi yêu anh ấy thì ai nói sao cũng mặc. Đến phế liệu còn có thể dùng lại bằng cách tái chế, thì con người sao lại không? Hơn nữa, với tôi anh ấy không phải là người bỏ đi”. Chị nói chị “cảm” anh từ hôm chị thấy anh bế bà cụ bới rác ngất xỉu ở bãi rác đi trạm xá: “Người như thế phải là người tốt”. Suốt cuộc trò chuyện, anh Trường luôn khẳng định: “Cô ấy đã giúp tôi làm lại cuộc đời, tôi không còn chán nản nữa”.
Không ít người đã chọn yêu “đồ bỏ đi” dưới mắt người đời. Nhưng với những người trong cuộc, “đồ bỏ đi” lại là những viên ngọc lấp lánh, vì không phải ai cũng thấy được nét đẹp, cái quý báu tiềm ẩn ở những con người ấy.
Bạn Thanh Trúc, nhà thiết kế phong cách của tạp chí trực tuyến Inlook, bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ khi yêu thật sự, không ai xét lý lịch hay suy tính quá chi li về người yêu của mình. Tôi chỉ cần đó là người tử tế và biết yêu thương tôi thật lòng. Tại sao mình phải đặt nặng lý lịch hay những điểm yếu, lỗi lầm trong quá khứ của người ta nếu mình đã thật dạ yêu thương. Khả năng mang lại hạnh phúc cho phụ nữ mới chính là tiêu chuẩn tôi đặt ra cao nhất cho người mình yêu”.
Trái quan điểm với Thanh Trúc, Minh Ân (Công ty luật An Hưng) lật ngược vấn đề: “Tôi vẫn theo ông bà mình xưa dạy: lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Họ từng phạm tội rồi ai nói là họ không phạm tội nữa. Tôi mà là Khánh Hân thì sẽ không bao giờ yêu Soái. Tôi mà là Thái Bình cũng sẽ không bao giờ yêu Lan Vy. Ngựa quen đường cũ mà”.
Có những người nhờ tình yêu mà tái sinh, có phế liệu nhờ được tái tạo mà thành có ích. Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại.
Còn bạn? Bạn có dám yêu... “đồ bỏ đi”?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận