Nấu ăn với người khiếm thị là việc khó gấp nhiều lần so với người bình thường. Thay vì nhìn bằng mắt, người khiếm thị chỉ có thể sờ bằng tay và cảm nhận. Những việc đơn giản như luộc và bóc vỏ trứng chim cút nhưng các bạn trẻ trong ảnh cũng khá vất vả. Vì luộc thế nào cho vừa chín, bóc không vỡ cũng là kỹ năng phải học - Ảnh: VĨNH HÀ
Hầu hết các bạn trẻ thuộc bốn nhóm dự thi đều là học sinh khiếm thị đang học ở các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của Hà Nội.
Cuộc thi này là phần tiếp nối của dự án lớp đào tạo kỹ năng nấu ăn cho người khiếm thị do bốn sinh viên khiếm thị thuộc mạng lưới sinh viên khiếm thị Hà Nội khởi xướng thu hút nhiều học sinh, sinh viên khiếm thị tham gia. Kinh phí thực hiện được tài trợ bởi Quỹ Ability và bảo trợ của Hội Người mù Việt Nam.
Vũ Hải Anh, phó ban điều phối dự án, chia sẻ: Trang bị những kỹ năng cơ bản để sống tự lập và giúp đỡ được người thân là mong muốn của bất cứ người khiếm thị nào nhưng họ đều gặp rào cản rất lớn. Điều này không chỉ giúp người khiếm thị có thể tự lo cho bản thân mà còn cho họ sự tự tin.
Dự án diễn ra trong hai tuần và khép lại với một cuộc thi cũng là hình thức để các học viên thể hiện thành quả bằng những món ăn tự mình nấu. Kỳ vọng của nhóm là góp phần tạo nên sự lan tỏa trong cộng đồng người khiếm thị nói riêng, và người khuyết tật nói chung động lực sống tích cực, sống có ích.
Thái thịt là một khâu siêu khó, vì thái như thế nào để đạt tiêu chuẩn mà không đứt tay là vấn đề nhiều bạn trẻ khiếm thị chùn bước. Trong ảnh là Nguyễn Thị Diễm, một trong số các bạn trẻ tham dự cuộc thi nhận nhiệm vụ thái thịt. Diễm và nhóm chế biến món thịt kho nước dừa. Sau khi cả nhóm thảo luận về quy trình làm, các nguyên liệu được sắp sẵn theo thứ tự để có thể lấy sử dụng không bị lẫn lộn - Ảnh: VĨNH HÀ
Lương Tuấn Cường, học sinh lớp 12KT Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), một trong số bạn trẻ dự thi, chia sẻ: Nhiều gia đình Việt Nam vẫn có định kiến người khiếm thị thì không nên vào bếp, đặc biệt không nên chạm vào dao kéo. Nhưng khi được học, có kỹ năng, có thể tự tin hơn kể cả việc đi chợ, chọn thực phẩm, sơ chế và nấu.
Lương Tuấn Cường, một bạn trẻ tham gia cuộc thi, cho biết sau khi tham gia lớp học, em đã biết cách chọn thức ăn bằng cách dùng tay ấn và ngửi. Cường và các bạn cũng học được những điều khá đơn giản với người mắt sáng nhưng rất khó với người khiếm thị là xác định được món ăn đã chín chưa, đã đạt yêu cầu chưa khi qua lửa - Ảnh: VĨNH HÀ
Bàn tay vô cùng quan trọng với người khiếm thị, vì sờ vào đồ vật và cảm nhận giúp họ hình dung thay cho mắt nhìn. Thế nên trong nhiều việc, bàn tay người khiếm thị lại trở nên khéo léo hơn rất nhiều những người mắt sáng. Trong ảnh là cảnh nặn bánh trôi của một nhóm dự thi - Ảnh: VĨNH HÀ
Cái khó của các bạn nhóm "bánh trôi" lại ở khâu xác định khi nào bánh chín và vớt thế nào để không lẫn cả bánh còn sống.
Kiểm tra xem bánh đã nổi chưa bằng cách đặt nhẹ muỗng và khuấy nhẹ - Ảnh: VĨNH HÀ
Cô gái này không phải nhắm mắt suy tư mà đang gọt dưa chuột. Một công việc không dễ vì phải đều tay để không lẹm quá sâu vào phần ruột. Đặc biệt là tránh được tai nạn cứa vào tay - Ảnh: VĨNH HÀ
Và thành phẩm, món thịt lợn kho nước dừa của nhóm Diễm - Ảnh: VĨNH HÀ
Chúng ta nấu một món ăn mặn đơn giản cho gia đình tốn 30 phút. Nhưng những bạn trẻ này đã phải hoàn thành trong 2 tiếng rưỡi với sự hợp tác của cả nhóm. Người khuyết tật làm việc gì cũng khó khăn hơn người bình thường, nhưng ý chí để có thể sống bình thường của họ lại rất lớn.
Theo Vũ Hải Anh, người khiếm thị hiện thời có thể sống tự lập và bước ra cuộc sống. Họ không phải bó mình trong những xưởng làm tăm hay nghề tẩm quất như trước mà có thể đa dạng hóa nghề kiếm sống hơn, bắt đầu từ niềm tin vào những việc nhỏ như nấu một món ăn ngày hôm nay.
"Chúng em mong muốn sau dự án có thể thành lập một câu lạc bộ để tổ chức các lớp dạy nấu ăn, các cuộc thi như thế này nhằm tạo lan tỏa rộng hơn", Vũ Hải Anh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận