13/03/2022 10:10 GMT+7

Người khiếm thị đi học khiêu vũ thể thao

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tiếng nhạc vang lên, đôi tay đan vào nhau, đôi chân hòa cùng điệu nhảy dường như bỏ qua mọi vật cản xung quanh. Suốt ba năm qua ở Hà Nội, có một lớp học khiêu vũ thể thao được mở ra cho người khiếm thị.

Người khiếm thị đi học khiêu vũ thể thao - Ảnh 1.

Suốt 3 năm qua, thầy Tô Văn Hòa trực tiếp đứng lớp hướng dẫn cho người khiếm thị tập luyện môn khiêu vũ thể thao - Ảnh: HÀ THANH

8h sáng, lớp học dance sport (khiêu vũ thể thao) mới bắt đầu nhưng cô gái An Như (18 tuổi, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã đến lớp từ sớm, để tranh thủ tập luyện với mọi người.

Xóa hết giáo trình cũ

"Thầy rất tuyệt vời, giúp chúng mình tiếp cận nhiều điệu nhảy trong sự vui vẻ. Mỗi lần đến lớp, mình thực sự rất hạnh phúc, tự tin hơn" - An Như nhắc đến người thầy giáo trong sự kính trọng.

Ba năm trước, thầy Tô Văn Hòa (38 tuổi, vận động viên) bén duyên với lớp học từ một dự án hỗ trợ học nghề, hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thị. Sau khi dự án kết thúc, thầy quyết định tiếp tục gắn bó với các bạn khiếm thị. Suốt ba năm qua, thầy giáo đều đặn đứng lớp từ 8h - 9h30 các ngày thứ tư, thứ sáu hằng tuần.

"Khiêu vũ thể thao đối với người bình thường đã khó, với người khiếm thị còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng bù lại họ có khả năng đặc biệt là cảm nhận âm nhạc, cảm nhận không gian, lắng nghe những yêu cầu của thầy giáo đưa ra và cố gắng làm bằng được. Đó là động lực để tôi làm việc tại đây" - thầy Hòa chia sẻ.

Phương pháp của thầy Hòa là phải xóa hoàn toàn giáo trình trước đó, luôn luôn thay đổi trong cách hướng dẫn, truyền đạt cho học viên khiếm thị để họ lắng nghe, cảm nhận cơ thể mình. Nhưng khó khăn nhất là về không gian. 

Không có một sàn tập luyện chuyên nghiệp, tại phòng hội trường tầng 3 của Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội), bàn ghế được xếp gọn vào góc tường để tạo không gian tập luyện cho các học viên. 

Đôi lúc mải miết với điệu nhảy khiến họ vấp phải bàn ghế, vật cản xung quanh nhưng chẳng ai nề hà trước khó khăn. Để giúp đỡ học viên, thầy Hòa theo sát từng bước nhảy, giúp họ định hình không gian và kịp thời xử lý tình huống.

"Phải đặt mình ở vị trí của người khiếm thị, tìm ra phương hướng cho họ cảm nhận cơ thể của mình. Từng cử chỉ, động tác, kết hợp với âm nhạc để hình thành bước nhảy cơ bản" - thầy bộc bạch.

Là vận động viên khiêu vũ thể thao, vừa tham gia giảng dạy và làm nhiều công việc khác để mưu sinh, nhưng thầy Hòa vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đến lớp, trò chuyện với học viên để xóa nhòa khoảng cách, tạo cảm hứng cho học viên. "Với người khiếm thị, họ luôn cố gắng làm bằng được dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào" - thầy quả quyết.

Với người khiếm thị, họ luôn cố gắng làm bằng được dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Thầy Tô Văn Hòa

Lắng nghe cơ thể

Bốn tháng trước, Đinh Đức Thiệp (26 tuổi) biết đến lớp học của thầy Hòa và nhanh chóng tham gia. Bộ môn khiêu vũ thể thao giúp chàng trai trẻ tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người, tạo tinh thần sảng khoái, nâng cao thể lực và đặc biệt tạo môi trường cho người khiếm thị cùng nhau chia sẻ về cuộc sống xung quanh.

"Tuy không nhìn thấy được nhưng thầy giúp chúng tôi cảm nhận bằng đôi tai, hướng dẫn tập luyện bằng phương pháp riêng. Với người sáng mắt sẽ "bắt hình", còn với chúng tôi, thầy sẽ "cầm tay chỉ việc", có thể chúng mình chậm hơn một chút nhưng thầy kiên trì hướng dẫn để học đúng động tác" - Thiệp chia sẻ.

Chị Đỗ Thúy Hà, chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội), công dân thủ đô ưu tú năm 2018, là một trong những học viên được thầy Hòa hướng dẫn, nay chị đã thuần thục từng điệu nhảy và sẵn sàng làm bạn nhảy với thầy giáo để hướng dẫn cho các học viên khác.

"Thầy đem lại cho lớp một luồng gió mới và đến với chúng tôi bằng tình cảm. Để đáp lại tình cảm đó, những người khiếm thị như chúng tôi cố gắng nỗ lực hết mình để có thể đạt được hiệu quả cao nhất" - chị Hà chia sẻ.

Với 20 năm kinh nghiệm, gắn bó với khiêu vũ thể thao, thầy Tô Văn Hòa cố gắng truyền thụ hết kiến thức cho các học viên khiếm thị và sáng tạo ra phương pháp riêng để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mỗi người. 

Những ngày giãn cách xã hội, lớp học phải tạm ngưng nhưng việc tập luyện không thể dừng, thầy quyết định kết nối trực tuyến với các học viên, hướng dẫn học viên tập luyện trong suốt mùa dịch để nâng cao thể lực.

Sau ba năm, số lượng học viên đến với lớp học tăng dần, đồng nghĩa với việc cần có một không gian tập luyện rộng hơn cho người khiếm thị. Trước khi chờ đợi một không gian mới rộng rãi hơn, thầy giáo cùng các bạn học viên khiếm thị vẫn không ngừng tập luyện. 

Hễ tiếng nhạc vang lên, đôi mắt nhắm nghiền chẳng thể nhìn thấy nhưng bù lại, đôi tai và cơ thể của họ lắng nghe từng điệu nhạc, mỗi ngày nâng bước nhảy thuần thục và điệu nghệ hơn.

Thông điệp về sự nỗ lực

Tháng 4-2021, học viên của lớp học và người khiếm thị tại Hà Nội cùng nhau tham gia cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" do CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) tổ chức với sự giúp đỡ, khuyến khích của Thành hội Người mù Hà Nội, tổ chức REACH và huấn luyện viên khiêu vũ thể thao quốc gia Tô Văn Hòa. Đây là cuộc thi khiêu vũ thể thao đầu tiên dành cho người khiếm thị tại Việt Nam.

"Cuộc thi đã tạo nên dấu ấn đặc biệt. Qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn gửi đi thông điệp: Người Việt Nam ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cố gắng làm hết mình, thực hiện sứ mệnh của bản thân" - thầy Tô Văn Hòa tâm niệm.

Trao yêu thương qua hành trang giáo dục Trao yêu thương qua hành trang giáo dục

TTO - Sau nhiều năm với những chuyến đi dọc miền Bắc đất nước, hai cô gái trẻ từ TP.HCM trở về với những suy nghĩ đau đáu về số phận của lũ trẻ con nơi bản làng - những mầm xanh bị cuốn xoáy trong vòng lặp đói nghèo, bỏ học, lao động sớm.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp