Người hướng nội có thể học ngành truyền thông được không?
Những ngành khối nhân văn nói chung và truyền thông nói riêng thu hút được nhiều câu hỏi tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Chí Linh.
Chia sẻ với một học sinh băn khoăn về việc mình hướng nội, liệu có học được ngành truyền thông không, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Người có khả năng giao tiếp, ưa hoạt động hay nói cách khác là hướng ngoại có lợi thế hơn khi học và làm nghề về truyền thông.
Nhưng trên thực tế, người theo nghề truyền thông thường làm việc theo ê kíp. Trong đó, mỗi người sẽ có một nhiệm vụ khác nhau. Kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp các thành viên bù đắp cho nhau những điểm còn yếu, phát huy thế mạnh của mỗi người. Vì thế các em không lo mình hướng nội thì không thể làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Hiện nay ngành báo chí - truyền thông là ngành thường có điểm chuẩn cao trong khối nhân văn. Nhưng nếu các em thực sự yêu thích, các em hãy mạnh dạn đăng ký. Có thể đăng ký nguyện vọng 1 nếu đó là ngành các em thích nhất.
"Tại Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho phép sinh viên học ngành kép (học hai ngành) nếu các em có đủ điều kiện. Vậy nên nếu không đỗ vào ngành các em yêu thích nhất, các em có thể học các ngành khác và đăng ký học thêm ngành thứ hai.
Sau năm năm khi tốt nghiệp các em có thể có hai bằng đại học và cơ hội việc làm rộng mở hơn", cô Thu Hương chia sẻ.
Nhiều học sinh ở Chí Linh quan tâm tới "truyền thông đa phương tiện", giải thích dễ hiểu nhất cho học sinh, cô Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội, cho biết tên gọi cũng thể hiện người học ra trường vừa phải nắm được kiến thức, kỹ năng nền tảng về truyền thông, vừa thành thạo các công cụ đặc thù để phục vụ cho mục đích truyền thông.
Trong tương lai, truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế chung của thế giới trong lĩnh vực này.
80% chỉ tiêu sẽ tuyển trong đợt 1
Đây là thông tin được PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo - Trường đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ với các em học sinh.
Theo thầy Triệu, thường các cơ sở đào tạo đều tuyển khoảng 80% số chỉ tiêu trở lên ngay trong đợt 1. Số chỉ tiêu còn lại không nhiều, vì thế nếu thí sinh lựa chọn ngành và sắp xếp nguyện vọng không hợp lý có thể sẽ mất đi cơ hội trúng tuyển ngay trong đợt 1 và cơ hội sẽ ít hơn, khó khăn hơn ở giai đoạn xét tuyển bổ sung.
Về điều này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển, nhưng thầy Hùng nhấn mạnh thí sinh phải ghi nhớ nguyên tắc "nguyện vọng nào thích nhất thì xếp ưu tiên lên trước". Vì hệ thống xét tuyển của bộ sẽ xét từ nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) đến các nguyện vọng kế tiếp.
Đỗ ở nguyện vọng nào, sẽ dừng ở nguyện vọng đó. Mỗi một tài khoản đăng ký xét tuyển sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng. Ông Hùng cũng nhắc học sinh khi đăng ký các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống phải nộp lệ phí trực tuyến. Nếu không thực hiện việc nộp lệ phí thì nguyện vọng đăng ký sẽ không được xác nhận.
Thí sinh cần lưu ý thủ tục đăng ký thi và xét tuyển online
Chia sẻ với các em học sinh về quy định liên quan tới tuyển sinh năm 2023, TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết các thủ tục đăng ký thi, xét tuyển đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Các em học sinh sẽ được hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc này. Để tránh sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, các em cần lưu ý cả những chi tiết nhỏ nhất.
"Các em sử dụng số căn cước công dân nào để đăng ký thì sẽ chỉ dùng một số duy nhất đó trong suốt quá trình đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển để thống nhất. Nếu sử dụng các số khác nhau, các em sẽ gặp trục trặc phải điều chỉnh", thầy Hùng nhắc nhở và lưu ý các em học sinh phải rà soát kỹ thông tin cá nhân của mình trong quá trình đăng ký.
Lần đầu tiên chương trình tổ chức tại thành phố Chí Linh (Hải Dương) với khoảng 3.000 học sinh của bốn trường THPT. Bên cạnh sân khấu tư vấn chung, có 25 cơ sở đào tạo cùng tham gia tư vấn trong khuôn khổ chương trình này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận