Phóng to |
Theo Hãng tin Reuters, sau cuộc bầu cử hôm 17-6, Đảng Dân chủ mới, nhóm ủng hộ gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã giành 29,7% số phiếu. Đảng chống thắt lưng buộc bụng Syriza có 27% phiếu và Đảng Pasok giành 12,3%. Pasok đã lên tiếng ủng hộ Đảng Dân chủ mới. Liên minh Dân chủ mới - Pasok đủ chiếm thế đa số tại Quốc hội Hi Lạp với 300 ghế.
Giới quan sát nhận định đây là kết quả tốt nhất đối với Hi Lạp và châu Âu trong thời điểm hiện tại. AFP cho biết trong phiên giao dịch hôm qua 18-6, giá đồng euro đã tăng mạnh lên 1 euro đổi được 1,2709 USD và 100,54 yen Nhật. Giá dầu cũng tăng nhẹ lên 84,8 USD/thùng. Giá cổ phiếu châu Á và châu Âu đồng loạt tăng vọt. Lãi suất Tây Ban Nha và Ý phải trả khi vay bằng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng bắt đầu giảm.
Trốn thoát “ngày tận thế”
Theo báo Wall Street Journal, lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras mô tả kết quả bầu cử là “chiến thắng của cả châu Âu”. Chính phủ mới của Đảng Dân chủ mới sẽ không thay đổi chính sách thắt lưng buộc bụng mà gói giải cứu của EU và IMF yêu cầu. Đổi lại, EU và IMF tiếp tục cung cấp hàng tỉ euro cứu trợ cho Athens.
Như vậy, nguy cơ Hi Lạp rời khối đồng euro, đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng đã tạm thời lắng dịu. Truyền thông phương Tây mô tả châu Âu đã thoát khỏi nguy cơ “drachmageddon”, ghép từ chữ drachma (đồng tiền cũ của Hi Lạp) và chữ armageddon (ngày tận thế).
Dù vậy, giới quan sát nhận định ông Samaras sẽ đề nghị EU và IMF điều chỉnh một cách linh hoạt các điều kiện của gói giải cứu 130 tỉ euro nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với Hi Lạp. Theo tạp chí Đức Der Spiegel, mới đây Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tiết lộ EU và IMF sẵn sàng “khoan dung” với Hi Lạp bằng cách cho Athens thêm thời gian để trả nợ. Một “phần thưởng” nho nhỏ dành cho Hi Lạp vì đã không chọn Đảng chống thắt lưng buộc bụng Syriza.
Tuy nhiên kết quả bầu cử không thay đổi tình hình kinh tế nghiêm trọng của Athens. “Các vấn đề của Hi Lạp vẫn lù lù ra đó” - WSJ dẫn lời chuyên gia Alberto Gallo thuộc Ngân hàng Royal Bank of Scotland. Nền kinh tế Hi Lạp đang chìm sâu vào suy thoái, GDP giảm 7% năm 2011 và tỉ lệ thất nghiệp lên tới 21%. Nhiều nhà kinh tế chỉ trích chương trình cắt giảm chi tiêu mà EU và IMF ép Athens thực hiện khiến quốc gia này không thể tăng trưởng.
Trên trang mạng Twitter, nhà kinh tế Nouriel Roubini, người từng dự báo thành công khủng hoảng tài chính Mỹ, bi quan dự báo chính phủ của Đảng Dân chủ mới chỉ có thể tồn tại trong 6-12 tháng. Bởi GDP Hi Lạp sẽ tiếp tục sụt giảm, người dân tiếp tục bất mãn. Bầu cử mới sẽ diễn ra và lần này Đảng Syriza sẽ giành chiến thắng. Việc Hi Lạp rời khối đồng euro sẽ trở thành hiện thực.
G-20 tìm giải pháp lâu dài
Hôm qua 18-6, hội nghị thượng đỉnh G-20 đã bắt đầu tại Los Cabos, Mexico. Theo Reuters, kết quả bầu cử Hi Lạp đã loại bỏ bầu không khí u ám bao trùm lên G-20. Tuy nhiên tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G-20 tiếp tục gây sức ép buộc EU phải tìm ra một giải pháp lâu dài để cứu đồng euro và chấm dứt khủng hoảng tài chính châu Âu. G-20 muốn EU đưa ra một lộ trình rõ ràng của việc thành lập liên minh tài chính nhằm tăng cường sức mạnh khối đồng euro.
Trước đó Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo G-20 đã cảnh báo thắt lưng buộc bụng quá ngặt nghèo sẽ đẩy một quốc gia mắc nợ lún sâu vào vực thẳm suy thoái, thâm hụt và nợ tăng, xã hội bất ổn. Dự kiến các nhà lãnh đạo G-20 sẽ thông qua kế hoạch hành động Los Cabos, cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm, đầu tư hạ tầng và thúc đẩy thương mại.
Giảm nhẹ chiến dịch thắt lưng buộc bụng của EU cũng là ưu tiên của tân Tổng thống Pháp FranÇois Hollande. Các nhà lãnh đạo châu Âu và IMF cũng cam kết sẽ hỗ trợ Hi Lạp phục hồi tăng trưởng kinh tế. AFP cho biết tại hội nghị G-20, nhóm các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ cam kết đóng góp ít nhất 60 tỉ USD vào quỹ cứu trợ của IMF, đẩy quỹ “tường lửa” này lên 430 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận