Những người tham gia dịch vụ "đám tang cho người sống tại Trung tâm Trị liệu Hyowon, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
"Một khi đã nhìn nhận rõ cái chết và trải qua nó, bạn sẽ có cách nhìn mới về cuộc sống", bà Cho Jae-hee, 75 tuổi, một người tham gia chương trình "tang lễ sống" cho biết.
Người tham gia được chụp ảnh cho đám tang giả của mình - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, mỗi "đám tang" như thế sẽ bao gồm vài chục người, từ thiếu niên đến những người về hưu. Người tham gia sẽ được tặng khăn liệm, di ảnh, viết di chúc và nằm trong quan tài đóng kín khoảng 10 phút.
Dịch vụ chụp ảnh bao gồm trong đám tang giả - Ảnh: REUTERS
Sau khi trải nghiệm dịch vụ này, Choi Jin-kyu, một sinh viên, cho biết khoảng thời gian nằm trong quan tài khiến cậu nhận ra bản thân gần như luôn xem người khác là đối thủ.
Chàng trai 28 tuổi trên cho biết bản thân đang lên kế hoạch kinh doanh riêng sau khi tốt nghiệp, thay vì lao vào thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt tại Hàn Quốc hiện nay.
Mỗi người sẽ có 10 trong quan tài đóng kín để suy nghĩ về cuộc đời của mình - Ảnh: REUTERS
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp hạng 33 trong số 40 quốc gia thuộc chỉ số về chất lượng cuộc sống Better Life. Nhiều người trẻ Hàn có kì vọng cao về bằng cấp và nghề nghiệp tương lai. Thế nhưng, những giấc mơ này đang chịu áp lực lớn từ nền kinh tế phát triển nguội dần và tỉ lệ thất nghiệp quá cao.
Giáo sư Yu Eun-sil, bác sĩ khoa giải phẫu tại Trung tâm Y tế Asan, cho biết điều quan trọng là con người phải học và chuẩn bị cho cái chết từ khi còn trẻ.
Người tham gia được mặc khăn liệm để chuẩn bị vào quan tài - Ảnh: REUTERS
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết năm 2016, tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc là 20,2 trên 100.000 dân, gần gấp đôi so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.
Trước khi quan tài được đóng nắp, những người tham gia sẽ cùng nghe lời di chúc của nhau trong ánh nến - Ảnh: REUTERS
Công ty dịch vụ an táng Hyowon bắt đầu cung cấp dịch vụ "tang lễ sống" với mục tiêu giúp con người trân trọng sinh mạng của mình hơn và từ đó sẽ giúp họ hòa giải, tha thứ cho gia đình và bạn bè.
Ông Jeong Yong Mun, người đứng đầu trung tâm hòa giải, tiết lộ bản thân mình rất mong mọi người hòa giải trong đám tang của người thân, nhưng thấy buồn vì phải chờ đợi điều đó quá lâu. "Chúng ta không có cái gọi là mãi mãi. Đó là lý do tôi nghĩ trải nghiệm này rất quan trọng. Chúng ta có thể xin lỗi và tha thứ sớm hơn, và sống phần đời còn lại trong hạnh phúc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận