10/12/2014 09:17 GMT+7

​Người Hàn Quốc không ác ý

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Câu chuyện về lời thoại trong một bộ phim Hàn Quốc: “Dù có sang Việt Nam cũng không lấy được vợ?” (Tuổi Trẻ ngày 9-12) đã thu hút sự tranh luận của nhiều bạn đọc.

Câu thoại trong phim Nông dân hiện đại - Ảnh: K.A.
Câu thoại trong phim Nông dân hiện đại - Ảnh: K.A.

Chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến về câu chuyện này.

Tôi cũng thấy có gì đó nghẹn đắng khi hình ảnh phụ nữ Việt được xếp ở hàng thấp nhất trong mắt người Hàn Quốc khi tuyển vợ. Nhưng tôi không cho rằng bộ phim Hàn Quốc này và nhiều người Hàn Quốc đang miệt thị phụ nữ Việt Nam.

Một sự sòng phẳng trong cách nhìn nhận không chỉ giúp chúng ta bớt đi thời gian để giận dữ về một câu thoại (có thể là vô tình hay hữu ý) trong phim Hàn, mà lớn hơn là chúng ta sẽ nhìn rõ cách ứng xử, lối sống của chính mình - điều mà hàng ngàn cô dâu Việt trước khi bước lên những chuyến bay đi làm dâu xứ lạ không phải ai cũng kịp mang theo

Tôi đọc bài viết “Dù có sang Việt Nam cũng không lấy được vợ?” khi vừa kết thúc chuyến công tác tại Hàn Quốc về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài do Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc tổ chức.

Câu chuyện mà các quan chức ngành tư pháp, phụ nữ của Việt Nam, Mông Cổ, Philippines, Campuchia (những nước có nhiều phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc) được nghe nhiều từ chuyến đi này là những hành động, cách cư xử xấu xí của chú rể Hàn Quốc và phương cách để các cô dâu nước ngoài kêu cứu, giúp đỡ khi bị ngược đãi.

Ở Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ di trú diện kết hôn tại TP Suwon, chúng tôi được lãnh đạo trung tâm và các tư vấn viên kể cho nghe rất nhiều sự xấu xí của các ông chồng Hàn: gia trưởng, đánh vợ, giữ hết giấy tờ của vợ...

Họ còn khuyến cáo xã hội Hàn Quốc vẫn còn rất phong kiến với phụ nữ, nhiều người đàn ông Hàn chỉ cần cha mẹ, anh chị em kêu bỏ vợ là bỏ ngay. Hoặc khi vợ chồng có xung đột thì cả dòng họ, từ ông bà cho đến đứa cháu họ xa lắc cũng có quyền can thiệp, khiến nhiều cô gái Việt và các nước đến làm dâu ngỡ ngàng.

Người Hàn Quốc thừa nhận những khác biệt đó là nguyên do chính dẫn đến nhiều bi kịch hôn nhân giữa đàn ông Hàn và cô dâu nước ngoài. Và Chính phủ Hàn Quốc đang xây dựng ngày càng nhiều những trung tâm hỗ trợ để giúp đỡ cô dâu nước ngoài, đồng thời ngăn chặn hành vi xấu xí của đàn ông Hàn Quốc.

Ở Trường đại học Nữ giới Ehwa, một tham luận của Tuổi Trẻ về câu chuyện số phận những cô dâu Việt cùng những đứa trẻ con lai Hàn Quốc trở về Việt Nam sau những cuộc hôn nhân tan vỡ với người chồng Hàn Quốc đã đăng tải trong hồ sơ “Cô dâu Việt và sợi dây pháp lý”.

Và thật ngạc nhiên, cùng thời điểm Tuổi Trẻ đăng loạt bài thì Đại học Ehwa cũng hoàn tất công trình nghiên cứu về số phận những cô dâu Mông Cổ lấy chồng Hàn Quốc và trẻ con lai Hàn Quốc - Mông Cổ trở về Mông Cổ sau hôn nhân, và cũng được trình bày tại hội thảo.

Bà Chung Dawa, trưởng đại diện Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc Hàn Quốc (Kocun) tại Việt Nam, nói câu chuyện mà người Hàn Quốc quan tâm nhất trong vấn đề này là số phận những người phụ nữ từng làm dâu Hàn Quốc ấy ra sao? Những đứa trẻ con lai Hàn Quốc đang sống thế nào? Các ông bố Hàn Quốc có gửi tiền về Việt Nam, Mông Cổ... để nuôi giọt máu của mình?

Và đa số đều phẫn nộ, đòi hỏi chính phủ phải có những chính sách cấp thời để hỗ trợ các phụ nữ và trẻ em này.

Kể ra những câu chuyện này để thấy rằng người Hàn Quốc cũng khá sòng phẳng. Họ có thể đánh giá thấp việc cưới được vợ Việt Nam trong một bộ phim nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra các nhược điểm của đàn ông Hàn Quốc, của xã hội Hàn Quốc về cách cư xử trong hôn nhân.

Và họ không đứng nhìn. Cả đất nước Hàn Quốc có rất nhiều trung tâm hỗ trợ khẩn cấp 24/24 giờ cho cô dâu nước ngoài. Và nếu chứng minh được sự ngược đãi của người chồng, các cô dâu này có thể lưu trú tại trung tâm đến một năm và được hỗ trợ các thủ tục hồi hương nếu hôn nhân tan vỡ.

Người Hàn Quốc đã rất sòng phẳng với chính họ. Còn chúng ta đã sòng phẳng với chính mình hay chưa? Chị Vũ Minh Nguyệt (Nam Hye Won) - một Việt kiều đã có 20 năm sống ở Hàn Quốc và có sáu năm làm nhân viên tư vấn cho Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ di trú diện kết hôn TP Suwon - nói rằng: “Nhiều cô dâu Việt Nam không cố gắng hòa nhập và đòi chồng phải gửi tiền về cho gia đình mình, đó là lý do lớn dẫn đến hôn nhân tan vỡ”.

Có cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào của Việt Nam đã thẳng thắn nêu lên mục đích thực tế của không ít người trong số hàng chục ngàn cô dâu Việt mỗi năm vẫn “nhắm mắt đưa chân” đi lấy chồng Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... để các chú rể ngoại biết và cân nhắc?

Đau lắm!

Đã có tranh luận trong 105 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Có bạn đọc giận dữ lên án người làm phim khi cho đưa ra lời thoại này, có người đề nghị người làm phim phải lên tiếng xin lỗi...

Tuy nhiên, cũng không ít bạn đọc cho rằng người làm phim chỉ đưa lên câu chuyện thực tế. Tranh luận của bạn đọc cũng hướng đến nguyên nhân nhiều cô dâu Việt lấy chồng ngoại, có người bày tỏ sự cảm thông nhưng cũng có không ít người phê phán kiểu lấy chồng chỉ để mong đổi đời.

Dù có tranh luận thế nào thì cảm nhận chung của số đông bạn đọc từ câu chuyện này là: Đau lắm, cảm thấy xấu hổ, cảm thấy tự ái và đáng phải suy nghĩ...

Bạn đọc Phạm Ngọc Hùng viết: “Chẳng riêng gì phụ nữ các bạn đau mà đàn ông như tôi cũng đau lắm. Chẳng một ai muốn xa cha mẹ, quê hương nơi chôn nhau để đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Nếu nước mình phát triển, có nhiều công việc để làm thì có còn cái cảnh đó hay không?”.

Cùng sự trăn trở như vậy, bạn đọc Phạm Hiếu Thảo kêu gọi: “Người Việt Nam hãy cố gắng làm việc, học tập nhiều hơn nữa để tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển kinh tế, để không còn nghèo, để không còn xem việc kết hôn với người nước ngoài là cách thoát khỏi sự nghèo nàn”. Và đây cũng là mong muốn của nhiều bạn đọc khác.

N.N. tổng hợp

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp