Người dân Hàn Quốc tại Seoul theo dõi thông tin về cuộc gặp Trump - Kim trưa 30-6 - Ảnh: REUTERS
"Tôi hi vọng cuộc gặp này sẽ tạo ra cơ hội cho hai miền Triều Tiên làm sống lại mối quan hệ hợp tác kinh tế và tạo ra bước tiến hướng đến sự thống nhất giữa hai miền". Đó là phát biểu của anh Min Jung Won, sinh viên sau cử nhân 26 tuổi, người Hàn Quốc.
Đó là cảm xúc tích cực của nhiều người dân Hàn Quốc sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có cuộc gặp bất ngờ tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm trưa 30-6.
Người dân Seoul theo dõi những hình ảnh trên truyền hình tại các phòng chờ ở nhà ga Seoul và bến xe buýt Seoul Express đã rất phấn khởi về cuộc gặp.
Nhiều người đã bày tỏ xúc động khi chứng kiến cả ba nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên họp tại cùng một địa điểm và mong muốn 3 nhà lãnh đạo có thể hợp tác để cải thiện quan hệ.
Tương tự, người dân ở các khu vực và tỉnh biên giới của Hàn Quốc bày tỏ hi vọng cuộc gặp sẽ giúp mở đường cho việc khởi động trao đổi liên Triều và các dự án hợp tác đang bị đình trệ.
Nhưng bên cạnh những ý kiến lạc quan, cũng có người cho rằng cuộc gặp như vậy sẽ chỉ là sự kiện xảy ra một lần, và liệu cuộc gặp lần này có thể tiến triển thành một diễn biến tích cực hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã có cuộc nói chuyện hơn 40 phút - Ảnh: REUTERS
Như ông Kim Dae Won, nhân viên văn phòng 40 tuổi ở TP Suwon, nói với Hãng tin AP rằng cuộc gặp Trump - Kim chỉ là "một show diễn truyền hình" vì chưa giải quyết được khác biệt căn bản giữa Washington và Bình Nhưỡng, vốn đã được "lật ra" tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai vào cuối tháng 2.
Ông cho biết những lá cờ Mỹ và Triều Tiên treo ở làng biên giới bên phần đất Hàn Quốc cho thấy thực tế Seoul bị gạt ra bên lề của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, dù vai trò của Hàn Quốc không hề nhỏ trong việc kết nối các cuộc gặp.
"Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mong muốn ngồi vào chiếc ghế cầm lái của chiếc xe tiến trình hòa bình, nhưng câu chuyện ngày hôm nay cho thấy ông ấy chỉ cho hai ông Trump và Kim Jong Un thuê xe mà thôi" - ông Kim Dae Won nhận xét một cách hình tượng.
Ba nhà lãnh đạo Triều Tiên - Mỹ và Hàn Quốc tại Bàn Môn Điếm trưa 30-6 - Ảnh: REUTERS
Ông Choi Yong Chul, doanh nhân 65 tuổi tại Seoul, cũng cho rằng Tổng thống Moon chỉ đóng vai trò tháp tùng ông Trump đi gặp ông Kim, chứ không được tham gia cuộc đàm phán.
"Tôi nghĩ rằng cuộc gặp lần này chỉ là sự kiện nhằm cho cuộc tái tranh cử của ông Trump" - doanh nhân Choi nói thẳng.
Nhưng nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp lịch sử tại khu phi quân sự (DMZ) sẽ mang lại sức bật cần thiết không chỉ cho các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang bị đình trệ, mà còn cả với các mối quan hệ liên Triều.
Giáo sư Kim Yong Hyun của Đại học Dongguk (Hàn Quốc) đánh giá mặc dù các nội dung chi tiết của cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong vài tuần nữa, song nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định được cam kết của lãnh đạo Mỹ-Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Kim, một khi phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, nó sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Trưa 30-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp mang tính lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại DMZ phân chia hai miền Triều Tiên khi ông có chuyến thăm Hàn Quốc.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trước khi có họp kín riêng tại khu vực phía nam của DMZ.
Cuộc gặp này được đánh giá là diễn ra bất ngờ và thậm chí được tổ chức chớp nhoáng chỉ trong vài mươi giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận