03/06/2010 09:04 GMT+7

Người gửi những trăn trở giáo dục vào toán học

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Tiến sĩ toán học Trần Lương Công Khanh vừa được Nhà xuất bản Éditions Universitaires Européennes (Nhà xuất bản Đại Học Châu Âu) xuất bản tác phẩm La notion d’intégrale dans l’enseignement des mathématiques au lycée: une étude comparative entre la France et le Vietnam (Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông so sánh giữa Pháp và Việt Nam).

XrnEVSI6.jpgPhóng to
TS Trần Lương Công Khanh nói: “Toán học là vẻ đẹp bay bổng mà cuộc đời sư phạm đã đem lại cho tôi” - Ảnh: L.P.

Ông sống tĩnh lặng, vui vẻ với tình yêu của mình dành cho gia đình, con cái, với âm nhạc và sách vở ở một góc nhỏ TP Phan Thiết, Bình Thuận. Ông rất ít nói về chuyện mình viết sách, in sách hay học tập như thế nào.

Trăn trở

Tác phẩm Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thôngso sánh giữa Pháp và Việt Nam trình bày bản chất của tích phân Riemann, theo những nghiên cứu toán học và từ lịch sử toán học. Ở phần sau, tác giả so sánh ở nhà trường phổ thông tại Pháp và Việt Nam tích phân được giảng dạy thế nào, vì kiến thức khoa học khi được giảng dạy ở trường phổ thông sẽ xảy ra một khoảng chênh lệch và khác biệt. Đằng sau những lý do sư phạm cho sự chênh lệch và khác biệt là gì? TS Trần Lương Công Khanh cố lý giải hai vấn đề chính đó.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM khoa toán năm 1987, ông Khanh giữ trong mình những đam mê với môn khoa học nhọc nhằn này, lặng lẽ làm việc, giảng dạy cho đến những ngày ông nhận được học bổng đến TP Grenoble (Pháp), bắt đầu ba năm nghiên cứu sinh tại đại học Joseph Fourier.

Năm đầu tiên khi bắt đầu nghiên cứu, ông Khanh nhớ lại: “Tôi quan sát về giáo dục trung học phổ thông ở Pháp, ngạc nhiên vì thấy sao học sinh cấp III của họ chỉ học những điều đơn giản”.

Ông tò mò với những bài giảng cấp III đơn giản, quá trình học tập phổ thông nhẹ nhàng để rồi nhận ra: “Đó là cách tiếp cận khoa học luận. Người viết sách nghiên cứu, trong quá trình tiến triển, các nhà khoa học gặp phải chướng ngại gì? Người ta tìm ra những chướng ngại toán học mà trong quá trình sáng tạo các nhà toán học mắc phải. đó cũng có thể chính là những chướng ngại mà sinh viên mắc phải”.

Từng là sinh viên sư phạm, giảng viên đại học, ông Khanh chứng kiến những sinh viên sư phạm phải ngồi viết hàng chục bài tập mẫu theo dạng toán, những bộ đề luyện thi đại học có phân loại từng kiểu, cách làm bài, dạng bài cụ thể, đôi khi chỉ cần... học thuộc. “Người ta đã chứng minh được là một em học sinh không hiểu gì về một dạng toán vẫn có thể giải bài rất dễ dàng và đúng khi đã học cách giải của dạng toán đó” - ông Khanh nhớ lại.

Sau thời gian nghiên cứu ba năm (2003-2006) tại Pháp, luận án tiến sĩ Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông so sánh giữa Pháp và Việt Nam của ông được xếp loại xuất sắc bởi hội đồng thẩm định của trường.

Đầu năm 2010, Nhà xuất bản Đại Học Châu Âu gửi một bức thư đề nghị ông cho xuất bản luận án tiến sĩ của ông dưới dạng một quyển sách. Tháng 3-2010, ông dành thời gian hơn một tháng chỉnh sửa lại luận án để tác phẩm phù hợp hơn với người đọc số đông. Đến cuối tháng 4, tác phẩm của ông được chào bán trên hệ thống bán sách nổi tiếng thế giới Amazon.com. Ngày 23-5, ông tự hào cầm trên tay quyển sách được nhà xuất bản gửi về, 354 trang, in trọn vẹn và trân trọng những tâm huyết mà ông đã dành ra suốt ba năm nghiên cứu khi xa nhà.

Toán học mở đầu những bay bổng

Thỉnh thoảng, người ta vẫn đọc được những bài viết của tiến sĩ Trần Lương Công Khanh về bài hát Bonjour Vietnam, về Balzac, về hội họa, âm nhạc, về Việt Nam trong lòng nghệ thuật Pháp... trên một số tờ báo Việt Nam.

Ông cười: “Rất nhiều người yêu toán là những nhà thơ. Rất nhiều nhà toán học là nghệ sĩ violon, viết văn, làm thơ... Vẻ đẹp của toán học có khi là những không gian rất nhiều chiều, đầy tưởng tượng, mê hoặc”. Những lời đầu tiên trong trang “Lời cảm ơn” của quyển sách vừa được xuất bản, ông viết: “Ba tôi là thợ hồ, mẹ tôi là nông dân...”. Tinh thần đơn giản và khiêm nhường đó đã nuôi lớn ông, trong khoa học và trong cả tình yêu với gia đình và nghề nghiệp của mình. Ông vui vì biết đã gửi được những suy nghĩ, trăn trở trong giáo dục của mình đến với những người nghiên cứu khác trên thế giới cũng quan tâm về vấn đề này.

Một thành quả hợp tác giáo dục Việt - Pháp

TS Lê Thái Bảo Thiên Trung - giảng viên toán ĐH Sư phạm TP.HCM - nói: “Đề tài nghiên cứu của thầy Khanh được in thể hiện thành quả thật sự của việc hợp tác giáo dục giữa Pháp và Việt Nam. Thầy Khanh đã đưa ra một so sánh trong việc giảng dạy tích phân. Từ đó, người làm giáo dục có thêm một cái nhìn tham khảo khi làm việc, cũng như thế, người ta sẽ tiếp tục có những so sánh ở những khía cạnh khác trong việc dạy học môn toán này”.

TS Trần Lương Công Khanh công tác tại Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Thuận từ năm 1994.

Năm 1996, ông học một năm tu nghiệp về quản lý và thanh tra giáo dục tại Trung tâm Nghiên cứu sư phạm quốc tế (CIEP) của Pháp.

Năm 2003-2006, ông là nghiên cứu sinh tại đại học Joseph Fourier, làm việc tại Laboratoire Leibniz (nay gọi là Laboratoire d’informatique de Grenoble).

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp