28/08/2019 09:47 GMT+7

Người gốc Việt thành công ở nước ngoài - Kỳ cuối: Nhà văn được đề cử giải Nobel thay thế

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tên thật là Nguyễn An Tịnh, Kim Thúy là biểu tượng về lòng kiên cường, chăm chỉ và tài năng khi từ một cô bé 10 tuổi không biết nói tiếng Pháp đã trở thành nhà văn có tác phẩm viết bằng tiếng Pháp được đọc khắp nơi trên thế giới.

Người gốc Việt thành công ở nước ngoài - Kỳ cuối: Nhà văn được đề cử giải Nobel thay thế - Ảnh 1.

Nhà văn Kim Thúy đi khắp thế giới diễn thuyết - Ảnh: lereflet.qc.ca

Khi tôi viết, khi tôi nấu ăn, khi tôi nếm thử, đó chỉ để chia sẻ cái đẹp.

Nhà văn KIM THÚY

Năm 1978, Canada là quốc gia đầu tiên mở chương trình công dân bảo trợ người tị nạn. Chính phủ kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ở Canada tình nguyện chăm sóc một gia đình trong thời gian một năm.

Chính phủ lo kinh phí sáu tháng đầu, những người bảo trợ lo tiền bạc sáu tháng còn lại.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thực hiện chương trình, Đại sứ quán Canada ở Pháp đã tổ chức một cuộc nói chuyện vào ngày 22-5-2019 với hai diễn giả là người nhập cư biểu tượng thành công cho quá trình hội nhập và xây dựng cuộc sống mới tại Canada.

Một trong hai người đó là nhà văn Kim Thúy.

Hội nhập, cắm rễ và thăng hoa

Kim Thúy tên thật là Nguyễn An Tịnh, sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Hành trình cuộc sống của cô được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là cuộc sống định cư ở Canada. Năm 1978 gia đình cô đến Granby ở tỉnh bang Québec năm cô mới 10 tuổi.

Thị trấn Granby đã dang rộng vòng tay bảo trợ cho gia đình cô. Giám đốc khách sạn Castel đã tạo việc làm đầu tiên cho cha cô. Lòng tốt của người này đã tác động lớn đến cuộc sống và làm thay đổi tầm nhìn về thế giới của cô và gia đình.

Kim Thúy lớn lên với tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ và thái độ quan tâm của những người bảo trợ. Cô học tiếng Pháp rồi lấy hai bằng của Đại học Montréal về ngôn ngữ - dịch thuật và luật.

Ra trường, Kim Thúy hành nghề luật sư tại Công ty luật Stikeman Elliott rồi làm luôn nhiều nghề khác gồm thợ may, nhân viên thu ngân, đầu bếp, người phiên dịch. Mỗi thất bại là một trải nghiệm thúc đẩy cô tiến về phía trước.

Trong năm năm, cô đã làm chủ một nhà hàng ở Montréal chuyên nấu các món ăn Việt Nam và trở thành người hướng dẫn chuyên mục ẩm thực trên đài phát thanh và truyền hình.

Người gốc Việt thành công ở nước ngoài - Kỳ cuối: Nhà văn được đề cử giải Nobel thay thế - Ảnh 3.

Nhà văn Kim Thúy (trái) phục vụ bạn đọc trong quán cà phê Rouge Café trong khuôn khổ hội chợ sách lần thứ 42 tại thành phố La Sarre (Canada) cuối tháng 5-2018 - Ảnh: Rouge Café

Giai đoạn thứ hai của Kim Thúy là viết tiểu thuyết để biến ước mơ thành hiện thực. Lúc mới sang Canada, Kim Thúy khám phá văn chương ngay từ cuốn sách đầu tiên cô đọc là tác phẩm L’Amant (Người tình).

Năm 14-15 tuổi, cô đã dự định viết văn nhưng chưa được vì chưa thành thạo tiếng Pháp. Tiểu thuyết Ru - tác phẩm đầu tay của cô (NXB Libre Expression, 2009) được viết bằng tiếng Pháp đã trở thành sách best-seller ở Québec và Pháp.

Ru được dịch sang 25 thứ tiếng và mang lại nhiều giải thưởng. Các tác phẩm tiếp theo của Kim Thúy gồm có À toi (2011) viết cùng Pascal Janovjak, Mãn (xuất bản năm 2013, được dịch sang 9 thứ tiếng), Vi (2016).

Con trai của Kim Thúy mắc chứng tự kỷ. Cô đã học các phương pháp của hai chuyên gia Brigitte Harrisson và Lise St-Charles để hướng dẫn con trai, sau đó cùng hai chuyên gia này viết cuốn sách Giải thích chứng tự kỷ cho người không tự kỷ nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình có con tự kỷ.

Tháng 10-2017, cô viết sách dạy nấu các món ăn Việt Nam với tựa đề Le secret des Vietnamiennes (Bí quyết của phụ nữ Việt Nam).

Đối với Kim Thúy, văn hóa Việt Nam rất phong phú. Bởi cô rời quê hương từ nhỏ nên bây giờ cô nỗ lực khám phá từng chút một và mong muốn chia sẻ khám phá của mình. Cô bộc bạch: "Tôi có thể đào bới vì tôi biết có một kho báu".

Kho báu ấy đã được cô phơi bày trong cuốn sách dạy nấu ăn.

Người phát ngôn cho cộng đồng nhập cư

Sang giai đoạn thứ ba, Kim Thúy mong muốn trở thành người phát ngôn cho người di cư và người tị nạn để thay đổi hình ảnh về họ.

Cô giải thích: "Khi chúng ta nói đến người di cư và người tị nạn, thường đó là một khối không có khuôn mặt. Chúng ta phải nhận diện họ với một câu chuyện, một con người".

Tại các buổi hội thảo trên khắp thế giới, Kim Thúy đã nói về văn hóa Québec, về đất nước đã cưu mang gia đình cô và cô sẵn lòng kể lại quá khứ của mình để đánh động dư luận, mong mỏi mọi người đối xử có tình người với người di cư đang sống trong tình trạng tuyệt vọng như cách gia đình cô được bảo trợ lúc mới định cư ở Canada.

Kim Thúy nói về thành công trong sự nghiệp của mình: "Mọi ước mơ của tôi ở Québec đã đến ngay cả trước khi tôi có thể mơ thấy chúng".

Cô là biểu tượng về lòng kiên cường, chăm chỉ và tài năng khi từ một cô bé 10 tuổi không biết nói tiếng Pháp đã trở thành nhà văn có tác phẩm viết bằng tiếng Pháp được đọc khắp nơi trên thế giới.

Quỹ phụ nữ ở Montréal đánh giá, bất cứ nơi nào nhà văn Kim Thúy xuất hiện, cô đều thể hiện thái độ khiêm tốn, hào phóng, đơn giản, cởi mở và niềm đam mê với tư cách là một phụ nữ và một người mẹ.

Người gốc Việt thành công ở nước ngoài - Kỳ cuối: Nhà văn được đề cử giải Nobel thay thế - Ảnh 4.

Nhà văn Kim Thúy viết sách Le secret des Vietnamiennes giới thiệu ẩm thực Việt Nam - Ảnh: Le Devoir

Ngày 27-5-2019, Hội đồng Nghệ thuật và văn chương Québec đã trao cho Kim Thúy danh hiệu "Người bạn nghệ thuật và văn chương". Cô cũng đã được tỉnh bang Québec trao huy chương hiệp sĩ, huy chương danh dự của quốc hội và nhận giải thưởng Paul Gérin-Lajoie.

Cô là người phát ngôn của từ điển Petit-Robert từ năm 2016 và đã có tên trong từ điển Robert ấn bản năm 2018.

Kim Thúy đã nhận nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của cô, trong đó có giải văn học của toàn quyền Canada năm 2010.

Năm 2017, Đại học Concordia ở Montréal đã trao cho cô bằng tiến sĩ danh dự vì công lao truyền bá trải nghiệm của người nhập cư. Tháng 6-2019, Đại học Bishop ở Québec cũng đã trao cho cô bằng tiến sĩ danh dự.

Người được đề cử giải Nobel thay thế

Năm 2018, giải Nobel văn học không được trao do tai tiếng về tình dục trong nội bộ Viện hàn lâm Thụy Điển. Một giải thưởng khác mang tên Giải hàn lâm mới về văn học được đề cử thay thế.

Từ 47 nhà văn, bốn người được chọn vào vòng chung khảo, trong đó có nhà văn Kim Thúy ở Canada. Kim Thúy cho biết cô không thể viết văn bằng tiếng Việt vì sang Canada từ nhỏ nên không đủ từ ngữ để diễn tả.

Trong thời gian làm việc cho Công ty luật Stikeman Elliott, Kim Thúy đã về Việt Nam từ năm 1996-2000. Thời gian này Stikeman Elliott hợp tác với Việt Nam trong một dự án do Canada tài trợ. Đối tác quan trọng nhất là tổ tư vấn của Thủ tướng về các chính sách cải cách.

Trong thời gian làm việc cho công ty luật, cô đã gặp người chồng tương lai của cô. Tháng 11-2011, Kim Thúy trở lại Việt Nam trong phái đoàn của toàn quyền Canada David Johnston trong chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp