Do sức khỏe và tuổi tác nên việc đi xa có khó khăn, nên ông bà có ý định hưu trí sống ở Việt Nam. Vậy những điều kiện gì để được phép thường trú?
- Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Nội dung bạn đặt ra, có 2 vấn đề pháp lý cần lưu tâm như sau:
Thứ nhất, điều kiện để ông, bà bạn đăng ký thường trú tại Việt Nam.
Thứ hai, hồ sơ, thủ tục để ông, bà đăng ký thường trú tại Việt Nam, trong trường hợp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
1. Điều kiện để được xét cho thường trú ở Việt Nam:
Theo quy định tại điều 39, điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 và điểm a khoản 2 điều 5 thông tư số 31/2015/TT-BCA, để được xét cho thường trú tại Việt Nam thì người nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Thứ hai, phải thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.
Trường hợp 2: Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam. Trường hợp này, người nước ngoài phải được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.
Trường hợp 3: Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
Trong đó, người nước ngoài phải tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 3 năm trở lên, được xác định trên cơ sở dấu kiểm chứng nhập cảnh, dấu kiểm chứng xuất cảnh được cấp tại cửa khẩu có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam từ 3 năm trở lên trong 4 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú.
Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn là người gốc Việt có quốc tịch Đức, đã ở Việt Nam được hơn 2 năm và có nơi cư trú cố định. Tuy nhiên, nếu không thuộc các trường hợp 1, 2, 3 nêu trên thì không đủ điều kiện xin thường trú tại Việt Nam.
2. Hồ sơ, thủ tục xét cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam
Về hồ sơ: Khi đã đủ điều kiện xin thường trú tại Việt Nam theo phân tích trên, ông bà bạn chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin thường trú (mẫu NA12 ban hành kèm theo thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 5-1-2015).
- Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp (trường hợp này là lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Đức cấp).
- Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú (trường hợp này là công hàm của cơ quan đại diện của Đức đề nghị Việt Nam giải quyết cho thường trú).
- Bản sao hộ chiếu có chứng thực.
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú.
- Giấy bảo lãnh trong trường hợp ông bà được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh (mẫu NA11 ban hành kèm theo thông tư số 22/2023/TT-BCA ngày 30-6-2023).
Về trình tự giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Nộp một bộ hồ sơ đề nghị cho thường trú tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại khoản 3 điều 5 thông tư 31/2015/TT-BCA, cụ thể:
- Người xin thường trú theo trường hợp 1 và trường hợp 2: Nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
- Người xin thường trú theo trường hợp 3: Nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú.
Bước 2: Xét hồ sơ
- Trong 4 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 2 tháng.
- Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người xin thường trú và công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú.
Bước 3: Trả kết quả
- Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú.
- Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận