Kính gửi đến cô Nguyễn Thị Hoài Thương, giáo viên Trường THCS Cương Gián, Hà Tĩnh
Phóng to |
Quyết định ấy của gia đình khiến tôi thấy trời đất như sụp đổ. Tôi nằm khóc cả ngày khi thấy bạn bè ai cũng hăm hở làm hồ sơ dự thi lớp 10, còn mình phải ở nhà chăn bò, hái cỏ về cho bò ăn và làm đủ thứ việc kiếm sống. Tủi thân, tôi không dám ra khỏi nhà, chỉ biết ngồi khóc. Bố mẹ cũng khóc theo tôi. Cả nhà đến cơm còn chưa đủ ăn thì lấy tiền đâu để nuôi tôi đi học.
Ngày phải ký vào danh sách những học sinh không dự thi lớp 10, tôi òa khóc. Tôi không biết phải làm gì khi bất lực trước muôn vàn khó khăn của cuộc sống. Cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Hoài Thương đến nhà động viên tôi và thuyết phục mọi người cho tôi tiếp tục đi học. Bố tôi nói với cô rằng: “Gia đình tôi không biết làm gì để nuôi nó đi học, chắc phải cho nghỉ học ở nhà kiếm sống chứ giờ hết cách rồi!”. Tôi đã gào thét, khóc lóc quằn quại, đau đớn. Tôi muốn đi học, muốn được đến trường như mọi người.
Cô chủ nhiệm về, lòng tôi như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Tôi dắt chiếc xe đạp cọc cạch đuổi theo cô, nói với cô trong dòng nước mắt: “Cô hãy đợi em đến chiều, đừng nộp danh sách cho trường. Chiều em sẽ nộp hồ sơ, em không muốn nghỉ học”. Nói rồi, tôi đạp xe vụt đi như bay, trong đầu chỉ hiện lên duy nhất ý nghĩ: phải làm hồ sơ thi lên lớp 10, dù có được thi hay không thì cũng phải làm hồ sơ trước đã. Nhất định không được bỏ học.
Tôi đấu tranh với bản thân hơn 1 tháng trước khi bước vào kỳ thi cấp II. Nên đi học hay ở nhà? Nếu đi học thì bố mẹ sẽ khổ, còn bỏ học thì suốt đời còn lại sẽ là những chuỗi ngày tăm tối. Tôi lại tìm đến cô chủ nhiệm, òa khóc như đứa trẻ. Cô ôm tôi vào lòng rồi kể cho tôi nghe chuyện của cô ngày xưa. Nhà cô cũng nghèo, không có tiền đi học nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua tất cả để có được thành công như bây giờ. Cô khuyên tôi đừng bỏ cuộc, cố gắng đi học được đến đâu thì đến, nếu có khó khăn gì cô sẽ trợ giúp. Thấy tôi tha thiết muốn học tiếp, bố mẹ đành đồng ý.
Năm đó, tôi đậu vào trường chuẩn của huyện. Tôi, bố, mẹ và cô chủ nhiệm đều vui mừng khôn xiết. Lúc tôi báo tin, cô rất vui và nói rằng: "Cô tin là em sẽ làm được!". Cô động viên để tôi không còn phải khóc, không còn lo lắng nhiều. Cô nói sẽ giúp tôi trang trải một phần học phí, giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. Bố mẹ giờ đây cũng quyết định cho tôi đi học dù phải bán hết đất, bán nhà. Tôi hạnh phúc đến tột cùng. Không ngờ lại có ngày được học lên cấp III - điều mà tôi mơ ước từ nhỏ.
Bây giờ tôi đã là cô sinh viên sắp ra trường. Suốt quãng đời sinh viên, tôi cố gắng làm tất cả mọi việc để kiếm tiền ăn học. Khi trưởng thành, nghĩ lại những ký ức trong quá khứ, nước mắt tôi chợt tuôn trào. Nhờ có cô chủ nhiệm, nhờ có gia đình mà tôi được tiếp tục đến trường, được theo đuổi ước mơ.
Từ trong sâu thẳm trái tim, tôi chỉ muốn nói với cô rằng: “Dù sau này dòng đời có xô đẩy thì ký ức về cô trong em sẽ mãi đong đầy. Em cảm ơn cô rất nhiều. 20-11 sắp về, em chúc cô vui vẻ và hạnh phúc. Em yêu cô nhiều!".
Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu. Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn. Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài. Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào. Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết). Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email [email protected], từ nay đến hết ngày 20-11-2012. Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay. |
Các bài viết đã đăng: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận