HLV Nguyễn Chí Đông và cậu học trò Trần Văn Đảng (phải) - người giành HCV cự ly 800m, 1.500m tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020 - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN
17 năm qua, thành tích 2 giờ 21 phút Nguyễn Chí Đông thiết lập được tại SEA Games 22 và giành HCB đến giờ vẫn chưa ai có thể phá được.
Bị đánh trượt ngay khi thi tuyển
Sinh năm 1980 tại Hà Nội, dù thể hình nhỏ bé nhưng Chí Đông lại có năng khiếu với chạy bộ và thường xuyên tham gia các giải chạy dành cho học sinh ở trường, huyện và thành phố. Năm 1993 anh giành giải nhì chạy 800m cuộc thi dành cho học sinh của Hà Nội.
Dù vậy, Chí Đông bị các HLV đánh trượt khi tham gia thi tuyển vào đội điền kinh năng khiếu Hà Nội vì quá thấp bé. Rất may, vì nhìn thấy tố chất nhanh nhẹn, quyết tâm của Chí Đông nên HLV Đỗ Văn Soát đã tìm cách giữ anh lại.
13 tuổi, sau khi được nhận vào đội điền kinh năng khiếu Hà Nội, ban đầu anh tập luyện và thi đấu ở cự ly trung bình 800m, 1.500m. Cho đến đầu những năm 2000, khi 20 tuổi anh mới chuyển sang tập marathon.
Thời điểm đó do VN đang chuẩn bị cho SEA Games 2003 nên Chí Đông và 5 VĐV khác của điền kinh Hà Nội được HLV Bùi Lương đưa sang Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) tập huấn dài hạn.
Từ năm 2000 đến năm 2006, Nguyễn Chí Đông đã 7 lần liên tiếp giành HCV marathon quốc gia. Năm 2003, tại SEA Games 22 mà VN là chủ nhà, Chí Đông xuất sắc giành HCB marathon với 2 giờ 21 phút, đứng sau VĐV Philippines.
Thành tích này giúp Chí Đông xô đổ kỷ lục tồn tại suốt 35 năm của thầy mình là HLV Bùi Lương (2 giờ 32 phút, xác lập từ năm 1968).
Chạy trung bình 50-70km/ngày
Marathon là một trong những môn thể thao khắc nghiệt, với chàng trai cao 1,60m và nặng 45kg như Nguyễn Chí Đông, để đạt được thành tích, anh đã phải nỗ lực gấp đôi một VĐV bình thường.
Chí Đông chia sẻ: "Với một VĐV marathon, chìa khóa dẫn đến thành công chính là sự chăm chỉ và ý chí trong tập luyện. Ngày nắng cũng như ngày đông giá rét, tôi thường dậy lúc 4h sáng và muộn nhất là 5h phải ra sân tập.
Những ngày đông ở Trung Quốc nhiệt độ có thể xuống đến âm 15-20 độ nhưng không có chuyện bỏ cuộc.
Tôi chạy trung bình từ 40-50km/ngày, những ngày chạy dài có thể đến 70km. Một tuần thường chỉ được nghỉ duy nhất chiều chủ nhật và vì thế sự mệt mỏi cơ bắp sẽ đi theo VĐV từ ngày này sang đến ngày khác".
Anh Lại Phúc Lộc (phó giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội), bạn của HLV Nguyễn Chí Đông, kể: "Vào những ngày đông giá rét mới 4-5h sáng nhưng tôi đã đi xe máy đến để đi theo Chí Đông. Thời điểm đó, Chí Đông thường chạy 20-30km quanh thành phố, vòng hồ Tây. Tôi đi xe máy mà tay cứng hết lại vì rét, vì mỏi, vậy mà Chí Đông luôn cần mẫn chạy".
Thời kỳ đỉnh cao, Chí Đông được hưởng lương khoảng 600.000 đồng/tháng và một năm được cấp hai đôi giày chạy của Trung Quốc. Với cường độ chạy khoảng 300km/tuần, mỗi năm Chí Đông phải tự mua thêm 3-4 đôi giày mới đủ để chạy.
Chí Đông chia sẻ: "Tôi thường chỉ uống một cốc sữa ấm trước khi chạy vào sáng sớm. Trên đường chạy 30-40km cũng chỉ uống nước, điện giải, thực phẩm chức năng.
Mùa hè, khi chạy về, tôi thường pha nước đường với chanh để uống nên có khi một tuần đã uống hết 1kg đường.
Cuối tuần về quê, mẹ lại đưa cho tôi một bọc trứng gà, tôi đạp xe mang lên đội và ăn mỗi tối 2 quả trứng. Ngày đó, điều kiện khó khăn, do tập luyện, thi đấu vất vả nên cứ chạy mỗi giải xong tôi bị giảm 5-7kg".
Tình yêu của "chàng còi"
Chí Đông còn được biết tới với tình yêu lãng mạn bên cạnh "nữ hoàng nhảy cao" Bùi Thị Nhung (Hải Phòng) - nhà vô địch SEA Games, vô địch châu Á nội dung nhảy cao với thành tích xuất sắc nhất là vượt qua mức xà 1,94m. Nhưng dù cao "vời vợi", Bùi Thị Nhung đã bị tình yêu và sự chân thành của Chí Đông đánh gục.
Biết Nhung từ SEA Games 2005 tại Philippines và mon men đến làm quen nhưng Chí Đông nói anh không được Nhung để ý.
Mãi đến năm 2007, khi Chí Đông lên tập trung đội tuyển ở Nhổn (Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội) và gặp lại Nhung, anh mới có cơ hội tiếp cận và bày tỏ tình cảm. Tình yêu của hai người kéo dài đến năm 2009 thì làm đám cưới.
Chí Đông cho biết sau khi cưới anh có 2 năm sống bên cạnh vợ và từ 2011 đến nay khi Nhung về công tác tại ngành thể thao Hải Phòng, hai vợ chồng phải xa cách. Do Nhung làm việc tại Hải Phòng nên việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy hai con nhỏ đều do Nhung đảm nhiệm.
"Có lẽ vì tôi cứ đi biền biệt nên dù là VĐV rất giỏi nhưng Nhung không làm công tác huấn luyện mà nhiều năm qua chỉ làm bộ phận hành chính để có thời gian cho gia đình", Chí Đông chia sẻ.
Không có thầy Đông, không có Trần Văn Đảng
10 năm qua, sau khi từ giã sự nghiệp, chuyển sang công tác huấn luyện, Chí Đông cần mẫn đi khắp nơi tuyển quân cho điền kinh Hà Nội, đào tạo các VĐV trẻ. Nhiều năm qua anh phụ trách tổ điền kinh trung bình Hà Nội, đi Trung Quốc tập huấn có khi nhiều hơn ở VN.
Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020 diễn ra tháng 11 vừa qua, học trò của Chí Đông là Trần Văn Đảng (20 tuổi) đã tạo cơn địa chấn khi đánh bại đàn anh Dương Văn Thái (Nam Định) ở cả hai cự ly 800m, 1.500m để giành HCV.
Đảng chia sẻ: "Em đến với điền kinh là duyên, được tập với thầy Chí Đông là may mắn. Thầy không chỉ là HLV giỏi mà còn rất quan tâm, chia sẻ với VĐV. Những ngày tháng tập huấn ở Trung Quốc, khi nỗi nhớ nhà, chán nản khi tập suốt mà không được thi đấu bủa vây, thầy luôn ở bên cạnh để giúp em vượt qua và có ngày hôm nay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận