Những người có thu nhập gấp 400% ngưỡng nghèo, tỉ lệ lao động ngủ đủ giấc lên đến gần 70% - Ảnh: GETTY IMAGES
Trong 4 năm,CDC khảo sát gần 140.000 người Mỹ trưởng thành để xem xét mối quan hệ giữa giấc ngủ và điều kiện tài chính.
Kết quả, nhóm nhận thấy chưa tới 55% người trưởng thành ở Mỹ sống dưới ngưỡng nghèo ngủ đủ giấc (từ 7 đến 8 giờ). Theo CNN, ngưỡng nghèo tương đương mức thu nhập hàng năm 11.670 USD với một người và khoảng 23.850 USD với hộ gia đình bốn người.
Nhóm cũng nhận thấy người thu nhập càng cao thì tỉ lệ ngủ đủ giấc cũng cao theo. Cụ thể, 2/3 người có thu nhập trên ngưỡng trung bình (khoảng 94.000 USD cho gia đình 4 thành viên) ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
Với những người có thu nhập gấp 400% ngưỡng nghèo, tỉ lệ ngủ đủ giấc lên đến gần 70%.
Một nghiên cứu khác vào năm 2014 được trang Washington Post trích dẫn cho thấy có đến hơn 1/3 lao động Mỹ ngủ ít hơn 7 tiếng/ngày, đặc biệt là những ngày trong tuần.
Khảo sát này thực hiện trên 125.000 người Mỹ trưởng thành, nhận thấy hầu hết lao động nước này thường bớt 1,5 - 2 tiếng ngủ mỗi ngày để làm thêm việc. Đặc biệt, 61% lao động có hơn một công việc sẽ ngủ ít hơn 5 tiếng một ngày.
Theo nhiều chuyên gia, người giàu có các điều kiện để ngủ ngon hơn - Ảnh: GETTY IMAGES
Nhà dịch tễ học Lindsey Black từ CDC nhấn mạnh chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người trên mọi lĩnh vực. Ngủ ít hoặc khó ngủ liên quan đến nhiều căn bệnh như tiểu đường hay tim mạch.
CDC cũng ghi nhận khoảng 80.000 vụ tai nạn giao thông ở Mỹ là do tài xế thiếu ngủ, trong đó có 1.000 vụ nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Neil Kline từ Hiệp hội giấc ngủ Mỹ, những người thu nhập tốt có nhiều điều kiện hơn để chăm sóc giấc ngủ.
Chẳng hạn, họ mua được những ngôi nhà yên tĩnh hơn, nhiều không gian hơn, cách âm tốt hơn. Họ sẵn sàng bỏ tiền chăm chút các vấn đề sức khỏe tinh thần, điều trị sớm các bệnh mất hay khó ngủ…
COVID-19 đến, chất lượng giấc ngủ giảm?
Các nhà khoa học cho rằng chất lượng giấc ngủ giảm nghiêm trọng trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19. Nghiên cứu trên của Đại học Basel (Thụy Sĩ) thực hiện trên 500 người từ ngày 23-3 đến 26-4, thời gian cao điểm dịch bệnh tại châu Âu.
Nhà thần kinh học Christine Blume - từ Đại học Basel, trưởng nhóm nghiên cứu - lý giải, giãn cách xã hội giảm đi các kết nối, hoạt động giữa con người với bạn bè, gia đình, lại được làm việc và học tập tại nhà, nên thời gian ngủ "dư" quá nhiều so với thông thường.
"Ngủ quá giấc cũng là dấu hiệu chất lượng giấc ngủ kém đi. Giấc ngủ trong thời gian dịch bệnh còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều suy nghĩ, lo lắng về tình hình sức khỏe và kinh tế trong mùa COVID-19", Christine Blume nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận