Một học sinh mua thuốc lá khi đi học về trưa 9-10 ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Quang Định
Theo nghị định số 117/2020/NĐ-CP, việc xử phạt thực hiện từ ngày 15-11-2020. Làm thế nào để xử đúng, xử nghiêm những người vi phạm? Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc về việc này.
Bạn đọc TÚ NGUYÊN (Long An):
Phạt khó hay dễ?
Sai con trẻ đi mua đồ ăn, thuốc lá, rượu bia là chuyện bình thường lâu nay. Từ ngày 15-11 tới đây sai con đi mua thuốc lá có thể bị phạt tiền.
Người dưới 18 tuổi rất dễ bị kích động, lôi kéo vào những thói quen xấu, nếu để trẻ tiếp xúc với những hình ảnh mua bán, hút thuốc lá sẽ tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thuốc lá trong tương lai. Đó là chưa nói đến trường hợp có trẻ bắt đầu hút thuốc lá khi chưa được 18 tuổi.
Điều nghị định 117/2020 hướng đến thể hiện ý chí, tinh thần của luật pháp, "phòng vệ từ xa" trẻ em nghiện ngập thuốc lá, rượu bia. Tuy nhiên, theo tôi, nghị định 117/2020 khi đi vào cuộc sống thường nhật của người dân gặp không ít khó khăn khi thực hiện.
Làm sao xác định được người mua thuốc lá để sử dụng hay bị người khác sử dụng mua thuốc lá? Nghị định 117/2020 không có quy định cho phép người bán được kiểm tra giấy tờ tùy thân khi nghi ngờ người mua chưa đủ 18 tuổi.
Theo tôi, cho dù có quy định hẳn hoi đi nữa thì có người bán nào "chịu khó" làm việc này vì làm như vậy sẽ mất khách, mất lợi.
Muốn xử lý vi phạm thì phải có chứng cứ, hình ảnh, người làm chứng về việc người dưới 18 tuổi đã mua thuốc lá theo yêu cầu của người khác. Nghị định 117/2020 quy định nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm trên như UBND các cấp, công an, thanh tra sở y tế, quản lý thị trường...
Nhưng lực lượng chức năng địa phương có thể xử phạt nghiêm không? Tôi e là khó vì tâm lý du di, có khi chính gia đình cán bộ địa phương vẫn quen kiểu sai biểu trẻ đi mua thuốc và rượu. Nghị định mới này được xem là một thông điệp với xã hội về chuyện bảo vệ trẻ trước thuốc lá và rượu bia.
Nhưng thực tế nhiều trẻ dưới 18 tuổi vẫn tự mua các loại thuốc lá, shisha tụ tập phì phèo quán xá. Ai bán, ai mua, ai phạt, phạt ai, phạt nghiêm cỡ nào? Điều này cần có thêm hướng dẫn và quyết liệt xử lý của cơ quan chức năng địa phương.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Đoàn luật sư TP.HCM):
Khó quản lý cơ sở nhỏ lẻ
Cha mẹ nhờ con đi mua giùm rượu bia và thuốc lá có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Người bán, cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi cũng có thể bị phạt từ 1-3 triệu đồng hoặc 3-5 triệu đồng nếu bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Không chỉ người bán bị phạt, theo nghị định 117/2020, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng bị xử phạt từ 200.000-500.000 đồng.
Nếu người vi phạm không có tiền nộp phạt, cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp phạt thay. Nhiều nước trên thế giới đã có các chế tài mạnh đối với hành vi bán bia rượu và thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Và phát hiện hành vi này luôn là chuyện khó.
Một là làm sao xác minh được độ tuổi của người mua rượu bia, thuốc lá? Điều này chỉ có thể thực hiện được khi căn cứ vào giấy tờ tùy thân... Thực tế người mua thường tìm đến các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ để thuận tiện, làm sao kiểm soát vi phạm?
Luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần bổ sung chế tài chủ quán
Quy định xử phạt đối với người bán, cung cấp thuốc lá, bia rượu cho người chưa đủ 18 tuổi là quy định đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, mức phạt 3-5 triệu đồng là tương đối cao và việc triển khai trên thực tế là khó khả thi. Việc kiểm tra xử phạt cần được phân cấp xử lý, tránh tình trạng chỉ là quy định trên giấy.
Nghị định 117/2020 chỉ mới quy định việc xử phạt đối với hành vi bán, kinh doanh. Còn hành vi chứa chấp, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi hút thuốc, uống rượu bia thì chưa có quy định xử phạt.
Ví dụ, khi người chưa thành niên mua thuốc lá, rượu bia mang vào quán cà phê, quán bar... để sử dụng thì chủ quán cà phê, quán bar để tình trạng này xảy ra có vi phạm không? Cần cân nhắc, bổ sung chế tài đối với hành vi này.
Ai kiểm tra tuổi khách hàng?
Nghe thông tin luật sắp xử phạt người bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, ông Nguyễn Của (chủ đại lý bia ở phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lo lắng.
"Làm sao có thể xác định được khách đủ 18 tuổi hay chưa? Trẻ dưới 16 tuổi nhìn còn dễ chứ ở độ tuổi đủ 16, 17 thì rất khó. Không lẽ lúc nào cũng hỏi tuổi hay kiểm tra chứng minh nhân dân của khách? Mình không có quyền đó" - ông Của nói.
Theo một người bán thuốc lá trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 thì việc kiểm tra tuổi của khách mua hàng là không khả thi và mức phạt quá nặng.
"Có khi khách mua đông, bán còn không kịp thì làm sao đủ thời gian để xác định tuổi từng người. Bán có gói thuốc lỡ xui bị phạt 4 triệu thì thôi dẹp tiệm luôn cho rồi".
Anh Lê Trí Trọng Duy (chủ tiệm tạp hóa tại phường 2, quận Phú Nhuận) thắc mắc: "Nếu trẻ mua thuốc lá cho người thân là lỗi của phụ huynh, sao lại phạt người bán?".
Trong khi đó, một chủ tịch phường tại quận 10 có ý kiến cho rằng chứng minh hành vi này là không dễ, nếu người mua dưới 18 tuổi tự nhận mua để sử dụng (để bảo vệ người lớn không bị phạt) thì xử lý như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận