13/09/2015 10:41 GMT+7

Người được ghép thận 23 năm trước: “Không bon chen”

NGỌC DUNG
NGỌC DUNG

TT - Từng cận kề cái chết do suy thận giai đoạn cuối, ông Lê Thanh Nghiêm hồi sinh nhờ được ghép thận cách đây 23 năm.

Ông Lê Thanh Nghiêm  - Ảnh: NGỌC DUNG
Ông Lê Thanh Nghiêm - Ảnh: NGỌC DUNG

Tìm lại sức khỏe từ đó đến nay, ông Nghiêm cảm nhận rõ hạnh phúc từ những gì bình dị nhất.

Ngôi nhà của gia đình ông Lê Thanh Nghiêm nằm sâu trong một hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Thị Định, khu phố 4, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Hơn 6g30 tối, nhà ông Nghiêm vẫn cửa đóng then cài. Những người hàng xóm nói rằng ngày nào vợ chồng ông Nghiêm cũng đi làm về trễ như vậy.

Đến hơn 7 giờ tối, ông Nghiêm cùng vợ mới về đến nhà. Thoạt nhìn ngôi nhà cấp 4 này, không ai nghĩ đây là nhà của ông chủ tịch UBND huyện Đông Hòa...

Trong ngôi nhà nhỏ, ông Nghiêm mỉm cười nói rằng những gì gia đình ông có được như hôm nay là quý lắm rồi.

Ông hài lòng với cuộc sống hiện tại cùng người vợ dịu dàng, thanh lịch và hai cô con gái ngoan hiền (cô con gái thứ hai chào đời 7 năm sau khi ông ghép thận).

23 năm trước, ông Nghiêm bị suy thận giai đoạn cuối. Nhờ sự tiến bộ của y học, nhờ người chị ruột cho thận và sự cứu chữa tận tình của các nhà khoa học - bác sĩ, ông đã tìm lại được sức khỏe. Ông là một trong những người sớm được ghép thận tại Việt Nam.

23 năm trôi qua, quả thận được ghép hoạt động ổn định, ông Nghiêm khỏe mạnh như người bình thường. Chị cả của ông - bà Lê Thị Như, người cho ông một quả thận - giờ đã 65 tuổi, vẫn khỏe, sống tốt.

Ông Nghiêm luôn hàm ơn cố PGS.BS Tôn Thất Bách - người cầm dao mổ và ghép quả thận của người chị vào cơ thể ông, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng (khi đó là chủ nhiệm bộ môn miễn dịch học, chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước về ghép thận, sau này làm thứ trưởng Bộ Y tế), GS.TSKH Lê Thế Trung - chủ tịch hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam, PGS.BS Hoàng Thị Mai Trang ở Bệnh viện Quân y 103 - người theo dõi việc điều trị trước khi phẫu thuật ghép thận.

Ông vẫn giữ liên lạc với một số nhà khoa học - bác sĩ đã giúp ông vượt qua lằn ranh sinh tử. Mỗi khi có dịp đến Phú Yên, họ cũng không quên ghé thăm ông.

Trong phòng khách nhỏ của gia đình, ở nơi trang trọng nhất, ông Nghiêm treo hai bức hình kỷ niệm với đồng đội ở chiến trường K năm nào.

Nhắc đến họ, ông Nghiêm rưng rưng. Ông thấy hiện lên từng gương mặt thân thương của những đồng đội mãi mãi không trở về.

Bao phen cận kề cái chết trong 7 năm ở chiến trường K, rồi một lần thập tử nhất sinh sau khi trở về với đời thường, ông Nghiêm càng thấu cảm, trân trọng cuộc sống.

Ông thổ lộ: “Được sống là điều quý giá. Tôi bằng lòng với những gì mình có, không bon chen, tranh giành lợi danh, cũng không ham địa vị, tiền bạc...”.

Ông Nghiêm nói ông không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm chủ tịch huyện. Nhưng một khi được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Sống nhân ái, hòa đồng, tận tình giúp đỡ mọi người, bởi vậy mà anh Nghiêm luôn được bà con ở phường quý mến” - bà Phan Thị Oanh, một người dân ở phường Phú Lâm, cho hay.

Trước khi làm chủ tịch huyện, ông Nghiêm từng là thanh tra, chánh thanh tra, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy.

NGỌC DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp