Đội cứu hộ động đất đến từ Trung Quốc bày tỏ tiếc thương sau khi tìm thấy một thi thể bị chôn vùi trong đống đổ nát ở vùng ngoại ô Kathmandu, Nepal - Ảnh: Xinhua/Landov/Barcroft Media |
Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg bày tỏ Facebook là nơi cộng đồng kết nối nhau để quyên góp giúp đỡ hỗ trợ người Nepal trong thời gian khó khăn sau động đất.
“Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của các bạn (khoảng 50.000 người) khi trong hai ngày đã quyên góp được 10 triệu USD cho người dân Nepal” - ông Zuckerberg nói.
Ngoài ra, Facebook cũng đã đóng góp thêm 2 triệu USD cho International Medical Corps. Số tiền này sẽ được International Medical Corps mua nhu yếu phẩm cứu trợ chuyển đến các nạn nhân.
Trong một tin tức khác liên quan động đất, chính quyền Nepal xác nhận hàng ngàn ngôi nhà đã bị phá hủy, 90% trạm y tế và trường học ở Nepal không sử dụng được.
Bộ trưởng Tài chính Nepal Ram Sharan Mahat cho hay cần ít nhất 2 tỉ USD để tái thiết đất nước sau động đất, bao gồm xây mới và cải tạo trường học, bệnh viện và các công trình kiến trúc lịch sử.
“Đây chỉ tính toán sơ bộ và cần thêm thời gian để đánh giá đúng mức độ thiệt hại sau động đất” - ông Sharan Mahat nói, Guardian trích đăng.
Trong khi đó, thủ đô Kathmandu đang dần trở lại nhịp sống bình thường khi nguồn điện và mạng lưới thông tin liên lạc được phục hồi ở hầu hết các tuyến phố. “Tôi cảm thấy bây giờ đã an toàn hơn” - Vivek Ksimdung, một sinh viên 20 tuổi tại thủ đô, cho biết.
Tuy nhiên, nhiều thành phần kích động đã lợi dụng thảm họa động đất để lan truyền thông tin sắp có một trận động đất thứ hai xảy ra ở Nepal làm dân chúng hoang mang. Cảnh sát Nepal đã điều tra và bắt giữ hai người đàn ông loan truyền tin thất thiệt trên và sẽ bị buộc tội “kích động gây hoảng loạn trong công chúng”, theo Guardian.
Kênh truyền hình Mỹ NBC News dẫn nguồn tin của tướng Gen. Gaurav Rana - chỉ huy trưởng các đội cứu hộ động đất ở Nepal - cho biết số người chết vì động đất có thể tăng lên con số 15.000 do lực lượng cứu hộ dù đã nỗ lực nhưng chưa thể đào bới hết các đống đổ nát của tòa nhà.
Hiện chính quyền Nepal đang nỗ lực giải quyết hậu quả sau động đất, gồm nguy cơ bùng phát dịch bệnh và “làm dịu” giận dữ của người dân do cho rằng lực lượng cứu hộ chậm chạp trong công tác cứu hộ.
Video thủ đô Kathmandu hoang tàn sau động đất nhìn từ trên cao - Nguồn: YouTube |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận