10/03/2017 11:05 GMT+7

Người đưa tiếng Nhật vào trường học

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Đó là câu chuyện khá thú vị, khi một cựu học sinh của ngôi trường ở Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) quay về quê hương, và ông muốn có một món quà dành tặng nơi mình đã từng học.

Giáo viên người Nhật dạy cho các em học sinh Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng bài học về thưởng thức trà đạo - Ảnh: Bích Quân
Giáo viên người Nhật dạy cho các em học sinh Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng bài học về thưởng thức trà đạo - Ảnh: Bích Quân

Ban đầu ông tặng những suất học bổng, những phần quà nho nhỏ cho học sinh quê nhà. Nhưng rồi ông nhận thấy những sự hỗ trợ đó không có chiều sâu. Sau đó, ông quyết định đưa tiếng Nhật vào các trường học ở Đà Nẵng...

Từ mô hình tự phát

Nếu có lần đến Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào đúng tiết học tiếng Nhật, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những giáo viên người Nhật trong trang phục truyền thống kimono đang biểu diễn nghệ thuật trà đạo, thư pháp hay gấp giấy Origami... Cùng tham gia giảng dạy với những giáo viên Nhật là cô giáo Lê Thị Minh Nguyệt.

Thầy Bùi Duy Quốc - hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh - chia sẻ: “Mỗi buổi học như thế này đều mang đến một không gian mới mẻ cho người học, có khi là viết thư pháp, học tiếng Nhật qua bài hát, chuyện kể, hay cách mặc một bộ kimono... nên học sinh rất hứng thú”. Theo thầy Quốc, năm học này trường chỉ tuyển 89 học sinh học tiếng Nhật, nhưng có tới 200 hồ sơ đăng ký tham gia.

Người có công đưa tiếng Nhật vào trường học ở Q.Liên Chiểu là một cựu học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh - ông Võ Như Thắng, giám đốc Công ty OneDana, ủy viên Hội hữu nghị Việt - Nhật tại Đà Nẵng.

Ông Thắng tâm sự sau khi du học ở Nhật trở về Việt Nam, ông quay về trường cũ với nguyện vọng ban đầu chỉ là cầu nối, mang những suất học bổng của các tổ chức phi chính phủ ở Nhật Bản đến với các em học sinh hiếu học của Q.Liên Chiểu.

Tuy nhiên, ông nhận thấy sự hỗ trợ này quá vụn vặt. Sau đó, ông hiến kế với Q.Liên Chiểu ý tưởng đưa tiếng Nhật vào giảng dạy trong một số trường học.

Vậy là 3 năm trước, ông Thắng đã đề nghị với Trường THCS Lương Thế Vinh cho thử nghiệm chương trình dạy tiếng Nhật trong nhà trường. Tuy nhiên, lúc này giáo viên tiếng Nhật không có, biên chế cũng không.

Ông Thắng phải đưa người từ công ty của mình (tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ) và giáo viên người Nhật (là thành viên Hội hữu nghị Việt - Nhật) đến trường để hỗ trợ công tác giảng dạy.

“Giai đoạn đầu quá khó khăn, ngoài việc đưa người đến dạy, chúng tôi còn phải đi tìm các nguồn hỗ trợ thêm...” - ông Thắng tâm sự.

Sau việc đưa tiếng Nhật vào Trường THCS Lương Thế Vinh thành công, hiện ông Thắng vẫn tích cực làm cầu nối, đưa các tổ chức phi chính phủ ở Nhật hỗ trợ cơ sở vật chất, chuyên gia tham gia giảng dạy với giáo viên Việt Nam. Không chỉ vậy, ông Thắng còn biên soạn hàng trăm tài liệu dạy tiếng Nhật cho học sinh lớp 5, hỗ trợ các thiết bị giảng dạy...

Đến đề án chính thức

Bà Lữ Thị Kim Hoa - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu - cho biết sau quá trình thử nghiệm dạy tiếng Nhật ở Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.Liên Chiểu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh và học sinh, phòng đã lập Đề án dạy và học tiếng Nhật trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, nhân rộng mô hình này với sự tham gia của 7 trường (3 trường THCS và 4 trường tiểu học). “Từ một mô hình tự phát, nay việc dạy và học tiếng Nhật đã chính quy, có đề án hẳn hoi” - bà Hoa vui vẻ nói.

Theo bà Hoa, ý tưởng để lập đề án nói trên xuất phát từ đặc thù của Q.Liên Chiểu có 2 khu công nghiệp lớn, chủ đầu tư chủ yếu là người Nhật, do đó việc học sinh trên địa bàn quận biết tiếng Nhật là điều rất cần thiết với các em trong tương lai. “Không chỉ vậy, hiện mối quan hệ giữa Đà Nẵng và các thành phố của Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thành phố cũng lập văn phòng đại diện tại Nhật. Vì thế, đầu tư cho tiếng Nhật là phù hợp” - bà Hoa nhìn nhận.

Sau khi có đề án này, cứ vào đầu năm học, nhà trường lại tổ chức xét chọn học sinh lớp 5 học tiếng Nhật tại các trường. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ giới thiệu chương trình dạy tiếng Nhật để cha mẹ tự nguyện đăng ký cho con cái.

Tuy nhiên, một khó khăn của đề án dạy và học tiếng Nhật ở Q.Liên Chiểu là đề án này chỉ mới triển khai ở cấp tiểu học, THCS, chưa liên thông lên bậc THPT. Bà Hoa cho biết hiện Phòng GD-ĐT đang tham mưu với quận và Sở GD-ĐT chọn các trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Nguyễn Thượng Hiền tổ chức dạy tiếng Nhật từ năm học 2017 - 2018 cho những em học sinh khối lớp 9 có nguyện vọng học tiếp tiếng Nhật ở bậc THPT.

Đề án rất hay và khả thi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết đề án dạy tiếng Nhật cho học sinh phổ thông mà Q.Liên Chiểu đang triển khai rất hay và khả thi.

Về phía Sở GD-ĐT sẽ có chủ trương để các trường THPT trên địa bàn Q.Liên Chiểu nhanh chóng triển khai việc học tiếng Nhật, nhằm giúp học sinh liên thông tiếng Nhật từ cấp I, II lên cấp III.

“Chúng tôi còn khuyến khích các trường học phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ, các hội hữu nghị để triển khai dạy đa ngôn ngữ trong trường học” - ông Vĩnh cho biết thêm.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp