16/08/2018 14:53 GMT+7

Người đi, khí anh hùng còn mãi

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Huyền thoại ở lại, khí chất anh hùng ở lại. Đấy là những gì chúng tôi ghi nhận được tại tang lễ thiếu tá tình báo - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương.

Người đi, khí anh hùng còn mãi - Ảnh 1.

Đại tá tình báo Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu), nguyên cụm trưởng cụm tình báo H.63, đến viếng tang thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương - Ảnh: TỰ TRUNG

Giá như chết đi được thì đỡ phải chịu đau đớn nhưng họ không cho chết, mà bắt phải chịu đau đớn để khai thác bí mật. Tài liệu là điệp viên - Điệp viên là đường dây - Đường dây là tổ chức. Thế thì tôi phải chịu, phải cắn răng mà chịu

Thiếu tá tình báo NGUYỄN VĂN THƯƠNG

Hôm nay, khu dân cư Bình Lợi, Bình Thạnh, TP.HCM tiễn biệt ông.

Tiễn biệt ông, nhưng những câu chuyện như huyền thoại của cuộc đời ông thì vẫn còn ở lại. Mãi mãi.

Huyền thoại xương thịt

Ông Mười Nho - đại tá tình báo Nguyễn Xuân Mạnh, người đã trực tiếp đào tạo, huấn luyện Hai Thương thành tình báo - ngồi lặng lẽ bên bàn tang lễ với những kỷ niệm. 

Ông nhẹ nhàng bảo: "Tôi với Hai Thương là cật là ruột từ ngày đầu, cho tới ngày tôi bàn giao cụm tình báo cho anh Tư Cang tiếp quản, cho tới ngày hòa bình, cho tới ngày này. Về Hai Thương, không cần phải nói nhiều...".

Cuốn sách Người bị CIA cưa chân sáu lần của nhà văn Mã Thiện Đồng viết về ông đã tái bản đến lần thứ 11. 

Câu chuyện ba năm địa ngục trên bàn tra tấn mà ông đã trải qua bằng sự kiên trung sắt thép của ý chí và xương rơi máu đổ của thân thể được viết lại chi tiết đến mức thử thách người đọc. 

"Tình cảm của tôi, sự khâm phục của tôi với anh dồn hết vào cuốn sách. Viết xong rồi, gắn bó từ bấy đến nay lại càng thương, càng phục" - nhà văn Mã Thiện Đồng nói.

"Một sinh vật bằng thép. Chúng tôi thua" - viên đại tá Mỹ trực tiếp thi gan với Nguyễn Văn Thương trong những màn tra tấn man rợ đã thốt lên như vậy. 

Còn ông Thương giải thích với những thế hệ sau mình: "Khi ấy tôi là thanh niên, to khỏe, đôi chân tôi mạnh mẽ, dẻo dai. Là tình báo giao thông, vào thị xã sắm vai đại úy quân lực Việt Nam cộng hòa hay một người dân lao động, ra cứ chân đất băng đồng, lội sông, vượt chướng ngại vật, chui hầm nào có ngán chi. 

Trước khi bị bắt, tôi còn chiến đấu với cả trung đoàn lính Mỹ với hàng chục trực thăng đến hết đạn. Ấy vậy mà rồi hai bàn chân bị đối phương đập nát, hai chân bị cưa từng đoạn, từng đoạn... 

Giá như chết đi được thì đỡ phải chịu đau đớn nhưng họ không cho chết, mà bắt phải chịu đau đớn để khai thác bí mật. 

Tài liệu là điệp viên - Điệp viên là đường dây - Đường dây là tổ chức. Thế thì tôi phải chịu, phải cắn răng mà chịu. 

Trong thử thách tột cùng ấy, chỉ có suy nghĩ về sự vẹn toàn của tổ chức, tin tưởng vào thắng lợi của lý tưởng mình chọn, ước mơ của cả thế hệ mình đang đấu tranh, vun đắp và mong mỏi được gặp lại mẹ - vợ - con mới giúp được tôi vượt qua".

Những bí mật về tài liệu, về điệp viên đã được ông Thương giữ chặt trong tâm can, không bật ra giữa cơn đau đứt xương nát thịt, không bật ra trong những cơn mê sảng mụ mị. 

Hai cuộn tài liệu mà ông đã kịp chôn giấu, làm dấu hiệu cho người khác đến tìm giữa cánh đồng Mỹ Phước (hiện thuộc Bình Dương) trước khi bị bắt sau này mới được biết chính là chiến lược Mỹ tấn công Đông Dương của tình báo Hai Trung (thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn) gửi ra và danh sách gián điệp của Mỹ cài vào nội bộ ta do tình báo Ba Quốc (thiếu tướng Đặng Trần Đức) lấy được.

Tình đồng đội sinh tử

Hòa bình, những con người huyền thoại của ngành tình báo gặp nhau, tay bắt mặt mừng trong tình đồng đội. 

Gặp nhau, ông Phạm Xuân Ẩn chỉ Nguyễn Văn Thương, nói bằng giọng đặc chất hài hước Nam Bộ của mình: "Khen tôi làm chi. Điệp viên giỏi mà không có giao thông giỏi để đưa tài liệu ra căn cứ thì có mà ăn... cám. Lại không được đồng đội kiên trung bảo vệ thì chỉ có ăn đạn". 

Ông Thương thì cười: "Thấy anh còn sống, thấy các đầu mối liên lạc vẫn hoạt động tốt, dù có bị cưa thêm hai tay nữa tôi vẫn thấy hạnh phúc".

Ông Tư Cang - đại tá tình báo Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu, nguyên cụm trưởng cụm tình báo H.63 - bảo tuy cảnh giác và đặt dấu hỏi là một trong những nguyên tắc hàng đầu của ngành tình báo, nhưng trong ông lại luôn thường trực lòng tin rất lớn vào đồng đội. 

Trầm ngâm ngồi bên bàn nước với các đồng đội năm xưa chờ đến lượt viếng ông Thương, ông nhắc lại: "Khi đã lựa chọn người để tổ chức đường dây giao thông, liên lạc từ thành ra cứ, ngoài những nguyên tắc bí mật, cái còn lại là lòng tin. Hai Thương là một trong những người tôi sẵn lòng giao cả tính mạng mình".

Đã có những lần giao liên bị bắt, ông Tư Cang ngồi lặng ở điểm hẹn cả đêm chứ không rời đi ngay khi nghe tin như nguyên tắc an toàn. 

Ông bảo: "Tôi ngồi đó vì tin đồng chí mình và vì buồn. Buồn vì biết đồng chí ấy sẽ chết trong tay đối phương để bảo vệ mình". 

Cụm H.63 có cả thảy 45 người, đến ngày hòa bình 27 người hi sinh, không bí mật nào bị tiết lộ. Và Hai Thương đã không chết dù mất cả hai chân theo cách mà người thường khó lòng tưởng tượng.

Ông Tư Cang trầm ngâm kể tiếp: "Hôm Hai Thương được trao trả ở Lộc Ninh, chính tôi chạy Honda chở một chiến sĩ đi đón. 

Hai Thương ngồi sau ôm lưng tôi, anh chiến sĩ kia ngồi sau đỡ. Tôi chạy xe mà nhớ Hai Thương xưa khỏe mạnh nhanh nhẹn biết bao nhiêu, đôi chân chạy nhanh chạy bền nhất cụm Bắc Sài Gòn, vào sinh ra tử với anh em bao lần. Đau muốn đứt ruột. 

Đưa về đơn vị, đang có cuộc họp Đại hội Đảng tình báo miền, Hai Thương được đưa lên bục để mọi người chào đón, cũng là để chứng kiến hành vi tàn bạo của quân Mỹ. Mấy cô gái liên lạc ngồi hàng đầu đã ngã ngất đi...".

Mang đến lễ tang đĩa nhạc Người tình báo anh hùng do mình sáng tác, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thưởng rưng rưng nước mắt: "Cũng là bộ đội nhưng tôi đã khóc đến mấy lần khi đọc cuốn sách viết về anh Thương. 

Thật không thể tưởng tượng được tinh thần cứng hơn sắt thép của anh ấy. Tôi đọc sách rồi tìm gặp để biết đó là sự thật, biết thế nào là bất khuất. Tôi về sáng tác bài hát trong nỗi xúc động khâm phục, rồi đến hát cho anh nghe. 

Những lần đi giao lưu, gặp gỡ giữa chúng tôi sau này đều có đĩa nhạc này, anh rất xúc động mỗi lần nghe lại. Lần cuối cách nay chỉ hai tháng. 

Nhờ những người trung kiên như anh ấy, đất nước chúng ta mới được toàn vẹn trong hòa bình như ngày nay. Không thể lãng quên...".

Thắp lên nén hương, các cô văn công cựu binh của đội Hoa Lửa (CLB Truyền thống kháng chiến Trung ương Cục), đội Bông Sen Trắng (CLB Nhà văn hóa Lao động) một lần nữa cất lời: ...Nguyễn Văn Thương, một tinh thần gang thép / Nguyễn Văn Thương, người tình báo phi thường / ...Tự hào quê hương tôi có những người thương binh / Tuổi trẻ noi gương anh sáng chói một lý tưởng...

Hôm nay, thiếu tá Nguyễn Văn Thương vĩnh biệt cuộc đời. Nhưng huyền thoại của ông ở lại, ý chí của ông ở lại, lý tưởng của ông ở lại, ước mơ của ông ở lại.

copy-of-hoc-sinh-truong-thanh-da-6(read-only)

Học sinh Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đến viếng tang thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương - Ảnh: TỰ TRUNG

Chân tình, hào sảng

Suốt mấy mươi năm sống trong hòa bình, thiếu tá Nguyễn Văn Thương đã chẳng từ chối bất cứ ai đến hỏi chuyện, dù là nhà văn, nhà báo hay chỉ là một em học sinh.

Ông đã chống đôi nạng gỗ, đẩy chiếc xe lăn đến hàng trăm cuộc nói chuyện, giao lưu truyền thống để chứng minh huyền thoại của đời mình bằng xương bằng thịt và bằng cả nụ cười.

copy-of-thieu-ta--nguyen-van-thuong-01-6(read-only)

Thiếu tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương

Tiễn biệt người anh hùng

Thiếu tá tình báo - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương mất ngày 13-8-2018. Hưởng thọ 80 tuổi.

Tang lễ được tổ chức tại nhà riêng ở Bình Lợi, Bình Thạnh, TP.HCM.

Ngày 17-8, linh cữu ông sẽ được an táng tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp