20/10/2013 05:58 GMT+7

Người đẽo thuyền độc mộc cuối cùng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Rah Lan Pênh ở làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được xem như người thợ đẽo thuyền độc mộc tài hoa và nổi tiếng hiếm hoi còn sống bên dòng Pô Kô.

Da0LsOMk.jpgPhóng to
Rah Lan Pênh trên chiếc thuyền độc mộc cuối cùng của ông - Ảnh: Tiến Thành

Già Pênh không biết mình đã bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ mang máng chiếc thuyền độc mộc cuối cùng mà ông làm gần đây nhất cũng đã hai, ba năm. “Hôm đó có người làng bên qua nhờ mình làm chiếc thuyền độc mộc để xuôi dòng Pô Kô đánh con cá” - già Pênh nói.

Qua bao mùa rẫy, đôi chân của già Pênh đã chậm, cái lưng đã bắt đầu mỏi nhưng người nghệ nhân già vẫn miệt mài cùng con trai vác rìu lên rừng rong ruổi cả tuần theo tiếng chim pơlang đi tìm cây gỗ, rồi mất mấy ngày hì hục đẽo đục, chiếc thuyền mới thơm mùi gỗ sao được làm lễ cúng Yàng và đưa xuống sông... Đó là chiếc thuyền độc mộc cuối cùng được hạ thủy dọc dòng Pô Kô huyền thoại...

Rah Lan Pênh cho biết cha ông là người rất giỏi về đẽo tượng nhà mồ và làm thuyền độc mộc. Ngày mới lên 10, 12 tuổi, Pênh đã rong ruổi theo cha lên rừng cất gỗ về làm thuyền độc mộc. 16 tuổi, Pênh đã tự mình đẽo được chiếc thuyền đầu tiên.

“Thuyền độc mộc không phải của riêng người Ja Rai mà hầu hết người dân tộc sống bên các dòng sông đều có. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đẽo một chiếc thuyền thật đẹp”. Theo già Pênh, thuyền độc mộc thường có chiều dài 7-12m, rộng 40-70cm. Người biết làm một chiếc thuyền độc mộc đẹp là người biết lấy cây gỗ tốt, đúng độ tuổi. Lòng máng của thuyền được đẽo một cách công phu và tỉ mỉ không thua kém gì những cột kèo chạm trổ dùng trên ngôi nhà rông. Những người biết làm thuyền thường nhìn vào thớ gỗ và nhát rìu ăn “ngọt” vào mép thuyền để đánh giá sự tỉ mỉ, công phu của người cầm rìu. “Tại sao lại gọi là thuyền độc mộc?”. Là vì thuyền được làm nên từ một cây gỗ, người thợ phải dùng chiếc rìu lẹm sâu vào thân cây rồi tỉ mẩn khoét lỗ, đẽo cho ra một chiếc thuyền. Khi đẽo phải làm sao lát rìu thật đều tay, ăn vào gỗ không quá sâu mà cũng không quá nông” - ông Pênh nói. Sau khi đẽo xong, chiếc thuyền được lật úp và dùng sức nóng của lửa làm mịn máng thuyền. Thớ gỗ đẽo ra từ thân cây phải được dùng để nấu nồi cơm tỏ lòng thành với Yàng.

Người Ja Rai quan niệm rằng rừng núi muôn vật đều có Yàng (thần linh). Rừng là nơi Yàng núi ngự trị, Yàng cây sinh sống, Yàng sông sinh ra. Bởi thế để có gỗ đẽo thuyền độc mộc phải sắm lễ vật cúng Yàng. Một chiếc thuyền độc mộc làm ra cũng phải qua nhiều nghi lễ khác nhau như lễ cúng xin chặt cây, lễ cúng đưa cây về làng, cúng hạ thuyền... Theo già Pênh, nếu chặt cây không được sự đồng ý của Yàng sẽ gặp bất trắc, chiếc thuyền đang đẽo đục bỗng nhiên nứt toác, đổ vỡ hoặc khi sử dụng sẽ nhanh chóng hư hỏng.

Rah Lan Pênh kể trong suốt cuộc đời mình ông đã đẽo rất nhiều thuyền độc mộc mà đỉnh cao là thời thanh niên, những chiếc thuyền đó ông dùng để chở bộ đội vượt sông đánh Mỹ. Ngày ấy, bộ đội muốn qua sông Pô Kô phải ngồi trên những chiếc thuyền độc mộc mỏng manh được du kích địa phương chèo lái nương theo dòng nước xiết. Rah Lan Pênh đã đẽo tới 30 chiếc thuyền độc mộc giao cho du kích địa phương. Ông cũng bảo anh hùng A Sanh - người dùng thuyền độc mộc đưa bộ đội vượt sông được nhắc đến trong bài hát Người lái đò trên sông Pô Kô của nhạc sĩ Cầm Phong - là đồng đội của mình.

Hỏi giờ còn ai biết đẽo thuyền độc mộc như ông không, Rah Lan Pênh giọng buồn buồn: “Họ chết hết rồi. Giờ thuyền độc mộc cũng ít được làm, có cái nào cũ bà con đều bán dần, buồn lắm mà không làm gì được. Qua sông bây giờ đã có thuyền máy, vừa nhanh vừa bớt nguy hiểm, vả lại những cây gỗ lớn bây giờ khó kiếm”. Tuy thế nếu ai có đặt thuyền độc mộc, già Pênh cho biết mình cũng sẽ cố gắng mà làm.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp