Ông Lê Văn Ba và chiếc xích lô chở củi - Ảnh: T.N. |
Nhiều người cho rằng ông có vấn đề về “thần kinh” bởi giữa thành phố hiện đại đang ngày càng thay da đổi thịt thì nhà nào chẳng có bếp gas, hơi đâu mà chụm bếp củi vừa khói vừa lâu.
Ấy vậy mà đều đặn hằng ngày ông Lê Văn Ba (78 tuổi, ngụ tại P.6, TP Mỹ Tho) vẫn cần mẫn thực hiện công việc của mình.
Ông Ba sinh ra tại Đà Nẵng trong một gia đình thuần nông nghèo, đông con. Đuổi theo chén cơm sinh nhai ông lưu lạc vào tận Tiền Giang, lập gia đình rồi khởi nghiệp với việc làm tài xế cho một bệnh viện. Sau đó vì nhiều lý do ông bỏ việc chuyển sang đạp xích lô để mưu sinh kiếm sống.
“Thời gian đó nghề còn thịnh, người đạp xích lô dù không giàu có nhưng cũng có đồng ra đồng vào để nuôi sống gia đình. Bốn người con của tui cũng nhờ chiếc xích lô này mà khôn lớn” - ông Ba nói.
Ông Ba bảo rằng trong gần 30 năm gắn bó với nghề đạp xích lô, ông kinh qua nhiều cung bậc vui buồn của cuộc sống. Điều ông vui nhất là được chứng kiến diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng đó cũng là lý do mà ông buồn bởi chiếc xích lô gắn bó với ông chẳng còn được ai ngó ngàng tới.
Quyết sống với nghề nên ba năm trở lại đây ông chuyển công năng của xích lô từ chở người sang chở củi. Mối của ông là những cơ sở sản xuất bánh tráng, làm hủ tiếu hoặc bán khoai mì, khoai lang.
“Mỗi lần người ta phát quang cây xanh tui đến gần xin những cành cây nhỏ đem về làm củi. Sau khi thu gom củi tại nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố, tui chặt thành từng khúc đem phơi khô rồi cuối cùng mới chất lên xích lô mang đi bán” - ông Ba chia sẻ.
Mỗi xe xích lô củi ông Ba kiếm được 60.000 đồng, tháng nào khá lắm thì kiếm trên 1 triệu đồng. Với số tiền kiếm được, ông phụ con cháu mỗi tháng một bao gạo, số còn lại dành tiêu dùng cho những dịp lễ, giỗ khỏi phải ngửa tay xin tiền của con cháu. Ông cười bảo rằng nếu ông bỏ nghề thì ở Mỹ Tho chẳng còn ai hành nghề xích lô giữa thành phố thơ mộng hơn 300 năm tuổi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận