Trước đó, Ban tổ chức đã lập các hàng rào mềm từ xa để hướng dẫn, phân luồng giao thông từ trụ sở xã Đông Hội vào đến Nhà văn hóa làng Lại Đà. Đồng thời bố trí xe điện đưa người dân từ trụ sở xã Đông Hội vào cổng làng Lại Đà để đăng ký vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dọc hai bên đường từ trụ sở xã Đông Hội về làng Lại Đà, người dân đều treo cờ rủ để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay sáng sớm, đại diện các gia đình, người thân ở thôn Lại Đà và huyện Đông Anh đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau đó là các đoàn gia tộc nội, ngoại của Tổng Bí thư và chi bộ Đảng, nhân dân thôn...
Được cháu dâu đẩy xe lăn tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Lộc (90 tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng của hai liệt sĩ) nói bà con trong thôn ai cũng mang nỗi buồn, nhiều người già cả như bà đêm qua cũng mất ngủ, chờ tới sáng để đến lễ viếng.
Theo lời con cháu, bà Lộc là người gần gũi với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là con gái đầu của trưởng họ nên bà được giao trọng trách cùng đoàn bà con lối xóm vào viếng đầu tiên.
Trong đoàn vào viếng, bà Nguyễn Thị Dung (78 tuổi, xóm 4, thôn Lại Đà) cũng nói khoảng 4h sáng bà đã thao thức, dậy sớm chuẩn bị quần áo, cùng con cháu đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà văn hóa thôn.
“Từ ngày anh Trọng mất, tôi hầu như không ngủ được vì anh em trong nội tộc ai cũng quý mến anh”, bà Dung bày tỏ.
Cũng trong sáng, đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà.
Có mặt từ 6h sáng, ông Nguyễn Đăng Vĩ (thương binh 1/4) cùng hơn 20 thương binh hạng nặng trên 81% của huyện Đông Anh đã có mặt tại thôn Lại Đà để chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Nghe tin Tổng Bí thư qua đời, tôi nghẹn ngào, xúc động trào dâng cũng như xót xa khi đất nước mất đi một 'vị tướng' xuất sắc. Hôm nay tôi dậy từ 3h sáng vì không ngủ được, dù đi lại khó khăn nhưng trên dưới một lòng quyết tâm đến đây để viếng Tổng Bí thư.
Là người chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, chúng tôi sẽ nén đau thương, tiếp tục phấn đấu, xứng danh lời dạy của Bác Hồ thương binh tàn nhưng không phế", ông Vĩ chia sẻ.
Tại thôn Lại Đà cũng có nhiều em nhỏ theo cha mẹ tới lễ viếng.
Trong không gian trang nghiêm, tiếng nhạc Hồn tử sĩ vang lên, không ít người bật khóc, cúi đầu khi những hình ảnh trực tiếp tại lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia hiện lên trên màn hình.
Hơn 500 đoàn đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Lại Đà
Hơn 9h, dòng người từ các địa phương về thôn Lại Đà ngày càng đông. Ban tổ chức chia thành các tốp người xếp hàng từ nhà văn hóa thôn ra đến cổng làng để các đoàn lần lượt vào viếng.
Thượng tá Lại Đức Mạnh, chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Đông Anh, cho biết hiện có hơn 500 đoàn với hơn 14.000 lượt người đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà.
Ban chỉ huy Quân sự huyện Anh cùng lực lượng công an đã lên kịch bản điều hành nhịp nhàng để các đoàn vào trật tự, trang nghiêm và bảo đảm tất cả người dân đều được vào viếng Tổng Bí thư.
Theo thượng tá Mạnh, người dân về làng Lại Đà viếng Tổng Bí thư có thể tập trung trước trụ sở UBND xã Đông Hội và địa điểm trên đường Trường Sa. Tại các điểm này, ban tổ chức có xe điện đưa đón các đoàn vào cổng thôn Lại Đà để đăng ký viếng.
Sau đó, các đoàn xếp hàng trên trục đường thôn vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà, qua cổng an ninh đăng ký lần 2 theo đoàn để ban tang lễ giới thiệu rồi chính thức vào viếng.
Đoàn cựu học sinh Trường Nguyễn Gia Thiều, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng theo học, cùng vào viếng bạn tại Nhà văn hóa làng Lại Đà. Người đi ngay sau vòng hoa, chống gậy, mặc áo xám là ông Ngô Bá Dục - bạn thuở hàn vi của Tổng Bí thư.
Từ 7h sáng, ông Dục đã cùng con, cháu đứng chờ ở sân nhà văn hóa để vào viếng, tiễn bạn lần cuối.
Ông nói những ngày này ông không ngủ được, không phải vì tuổi già mà vì thao thức, vì nhớ bạn, thương bạn. Thương bạn - người đã một lòng vì đất nước, vì dân tộc làm việc tới hơi thở cuối cùng.
Nghẹn ngào tiễn đưa người bạn học
Ông Vương Khắc Duy (85 tuổi), bạn học trường làng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến lễ viếng bằng xe lăn.
Ông Duy chia sẻ hay tin Tổng Bí thư qua đời, ông đã khóc suốt đêm. Sáng nay, dù phải ngồi xe lăn, ông vẫn đến lễ tang từ sớm để tưởng nhớ người bạn học.
Bồi hồi nhớ lại thuở còn chung ghế nhà trường, ông Duy kể Tổng Bí thư học rất giỏi và chăm chỉ.
"Chúng tôi từng chia đôi củ sắn, củ khoai để lấy sức mà học", ông Duy nói và cho biết đó là những ký ức không thể nào quên.
Cùng nhau tới lễ viếng, có những bạn học không dùng điện thoại, tự đi xe về nhà cũ tìm nhau. Có người ở TP.HCM, vượt cả nghìn cây số ra Hà Nội.
Ông Vương Khắc Côn (81 tuổi, cũng là bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) nhớ trọn vẹn những ký ức thời niên thiếu. Ông nhắc mãi những ngày lội bộ đi học qua ruộng cà chua, qua sông Đuống... rồi bật khóc.
Những dòng vĩnh biệt gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong sổ tang, một người con xa quê đã viết những dòng vĩnh biệt cuối cùng gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
"Bác ơi,
Mấy hôm nay, quê hương Lại Đà đón nhiều người ở khắp nơi về viếng Bác. Cùng các cụ tóc bạc mắt ngấn lệ, các cháu nhỏ cũng lặng lẽ, không nô đùa... Tất cả người dân đang tỏ lòng thương tiếc vì sự ra đi của một vị lãnh đạo vì dân, vì nước đã cống hiến cả cuộc đời.
Là người con xa quê, cháu về viếng Bác, mong những giờ phút thiêng liêng này sẽ là động lực để cháu học tập, trui rèn, soi rọi lại mình. Sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn.
Vĩnh biệt bác".
Về thắp hương tiễn biệt vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông Lê Tràng Trí - đại diện Hội Thương bệnh binh nặng huyện Đông Anh - cũng bày tỏ xúc động khi hay tin Tổng Bí thư từ trần.
"Ngay từ khi biết tin Bác mệt, bản thân con và 64 hội viên đều muốn dâng hiến một phần thân thể của mình để Bác được khỏe lại, phục vụ cho đất nước, nhân dân nhưng không thể.
Chúng con xin hứa với linh hồn Bác sẽ luôn dạy dỗ con cháu trong nhà và hàng xóm chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước", ông Trí kính cẩn để lại những lời tiễn biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận