Thông tin này vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố.
Theo thống kê, tính đến 27-6, tín dụng kinh tế đã tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, xét về cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
"Như vậy cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cá nhân và người mua nhà vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền đầu tư. Do đó việc tháo gỡ khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản", Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được nơi này quan tâm. Ở góc độ là cơ quan điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các giải pháp.
Nhưng các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác cần được quan tâm. Chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song đó là thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
Về gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được ba công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, có 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa-Vũng Tàu đã công bố 9 dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận