Lực lượng chức năng, Công an phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức đi tiếp tế lương thực thực phẩm cho người dân khó khăn ở trọ vì dịch COVID-19 - Ảnh: HOÀNG AN
Quyết định này được đưa ra sau buổi họp trực tuyến của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM và các tỉnh phía Nam về công tác phòng chống dịch vào tối 19-8. Tại buổi họp, Thủ tướng đã chỉ đạo quân đội tăng cường chi viện để bóc F0 ra khỏi cộng đồng.
5 giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chống dịch
Trao đổi tại buổi họp báo về COVID-19 ở TP.HCM hôm qua 20-8, ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết với phương châm "mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch", TP.HCM đưa ra 5 nhóm giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.
- Người dân đảm bảo việc thực hiện quy định giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn.
- Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỉ lệ tử vong.
- Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ".
- Tăng cường đẩy mạnh tiêm vắc xin.
- Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, các cơ quan liên quan đang chuẩn bị phương án cụ thể và trước ngày 23-8 sẽ công bố. Trong đó, sẽ công bố rõ việc áp dụng quy định nghiêm việc giãn cách, lực lượng, binh chủng nào sẽ được lưu thông.
Điểm bán lương thực bình ổn lưu động tại P.14, Q.3, TP.HCM sáng 20-8 Ảnh: T.T.D.
Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho dân
Tại buổi họp tối 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để người dân chấp hành theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", ít nhất là trong 2 tuần tới tại TP.HCM, phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định.
Cần đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã phường tại TP.HCM theo mức nguy cơ "xanh, đỏ, vàng" để giữ vững, mở rộng các xã phường "vùng xanh", cô lập, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng vàng" để 312 xã phường thực sự là 312 pháo đài phòng chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trường hợp nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP.HCM triển khai trên cơ sở huy động các lực lượng để tham gia.
Trong đó, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, có biện pháp linh hoạt cung ứng lương thực, thực phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang...
Về công tác y tế, cần tăng năng lực y tế cho cấp xã phường về oxy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng, sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu vẫn tổ chức xét nghiệm "thần tốc" với hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thậm chí có thể tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực.
Quá trình thực hiện giãn cách xã hội tại TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT
"Trận chiến cuối cùng và lớn nhất"
Tại buổi họp Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam với lãnh đạo TP.HCM vào chiều tối 20-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thời gian tới TP.HCM tiếp tục quán triệt phương châm giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 phải "rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả".
Ông Đam yêu cầu việc tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế… hỗ trợ thành phố chống dịch phải thống nhất cụ thể, chi tiết. TP.HCM, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế cần thống nhất lực lượng tối cần thiết phải ra đường làm nhiệm vụ. Lực lượng này phải được tiêm vắc xin COVID-19, xét nghiệm thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không mắc COVID-19 và không lây nhiễm cho người khác.
Từ đầu cầu TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM khẳng định quyết tâm thực hiện thật nghiêm các biện pháp, coi đây là "trận chiến cuối cùng và lớn nhất của đợt dịch này", yêu cầu các lực lượng hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân nói riêng, công tác an sinh xã hội nói chung.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định toàn hệ thống chính trị của thành phố sẽ tập trung chống dịch với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các bộ ngành trung ương… Cùng với đó, lưu ý việc an dân qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt phải hỗ trợ đầy đủ, không bỏ sót bất cứ ai, nhất là người khó khăn, không có điều kiện.
Bên cạnh việc tăng cường lực lượng của trung ương, TP.HCM cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.
Giãn cách xã hội thời gian qua chưa triệt để
Trước khi đưa ra những biện pháp mạnh, Thành ủy TP.HCM đã có kế hoạch về phòng chống dịch COVID-19 thời gian sắp tới. Kế hoạch thừa nhận thời gian qua việc giãn cách xã hội chưa triệt để. Việc tổ chức cách ly, truy vết, điều trị còn một số hạn chế do số bệnh nhân, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong trong giai đoạn gia tăng. Công tác an sinh xã hội có sự chia sẻ, hỗ trợ nhưng chưa phủ kín.
6 trạm y tế lưu động đầu tiên đi vào hoạt động
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Emart, quận Gò Vấp, TP.HCM chiều 20-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 20-8, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với quận 3, quận 7 tổ chức lễ khánh thành 6 trạm y tế lưu động (nằm trong tổng số gần 400 trạm y tế lưu động sẽ được thiết lập trong thời gian tới). Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến - trưởng trạm y tế lưu động ở phường 11, quận 3 - cho biết hiện đơn vị có một bác sĩ, hai điều dưỡng; được trang bị 4 máy tạo oxy, khoảng 10 bình oxy lớn, nhỏ cùng đầy đủ loại thuốc theo quy định điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà.
Khi ghi nhận các ca F0 có triệu chứng, bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến nhà để khám và đưa ra hướng xử trí tùy vào thể trạng của người bệnh.
H.LỘC
Bổ sung 1 triệu hộ nghèo, 670.000 lao động tự do nhận hỗ trợ
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP.HCM để bổ sung ngân sách hỗ trợ khoảng 1.048.500 hộ và số 669.000 lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động). Đây là số bổ sung qua rà soát tại các quận, huyện, TP Thủ Đức thời gian vừa qua. Tổng dự toán kinh phí đề nghị bổ sung khoảng 2.577 tỉ đồng.
Trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt gói hỗ trợ đợt 2, nhằm hỗ trợ lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 với kinh phí hơn 900 tỉ đồng. Trong đó có hơn 334.000 lao động tự do được hỗ trợ với kinh phí hơn 501 tỉ đồng, khoảng 90.500 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ với kinh phí khoảng 400 tỉ đồng.
Như vậy nếu được chấp thuận bổ sung, gói hỗ trợ đợt 2 của TP.HCM sẽ có tổng kinh phí dự kiến khoảng 3.477 tỉ đồng.
V.THỦY
Người dân không tự đi chợ, lương thực được mang đến tận nhà
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết dự kiến từ các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng sẽ có tính toán cụ thể, chi tiết số lượng mỗi ngày. Địa phương sẽ không phát phiếu đi chợ trong thời gian tới.
TP.HCM đang chỉ đạo Sở Công thương phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức và triển khai xuống phường, xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân; từ đó siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo 2 hình thức trả tiền và hỗ trợ miễn phí.
"Giỏ quà nghĩa tình mùa dịch" được trao tặng cho các công nhân, người lao động khó khăn sinh sống tại khu phố 2, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đại diện Bộ tư lệnh TP.HCM cho biết đã thành lập 310 đội công tác, với sự tham gia của Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền, vận động vừa chuyển gói an sinh, lương thực, thực phẩm đến tận từng nhà dân.
Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, thượng tướng Võ Minh Lương - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP.HCM - đề nghị các bộ, ngành (trong đó có lực lượng bộ đội, công an, ngành công thương) hợp tác giải quyết vấn đề.
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam với lãnh đạo TP.HCM vào chiều tối 20-8.
Không lo thiếu hàng hóa
Các nhà bán lẻ tại TP.HCM cho biết đã tính toán tăng lượng dự trữ đối với mặt hàng thực phẩm. Trong đó, thực phẩm khô như mì gói, phở gói, dầu ăn… hiện không thiếu, thậm chí đủ cung cấp trong nhiều tháng. Đối với thực phẩm tươi sống như cá, thịt, hải sản... nhà bán lẻ đã liên kết với nguồn cung để tăng lượng hàng dự kiến lên 40% so với trước đó để đáp ứng cho dự trữ, chế biến.
Ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP - cho rằng chính quyền cần có phương án nhân lực để hỗ trợ việc giao nhận, có thể cử lực lượng quân đội đến nhà máy giết mổ, điểm bán để hỗ trợ vận chuyển.
N.TRÍ - N.BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận