Có 43 hộ dân (137 người) đang sinh sống tại khu vực sát chân núi Sọ. Cứ mỗi lần có mưa bão, những hộ dân này lại phải di dời đến các khu vực an toàn.
Theo ghi nhận, nhiều khu vực xung quanh núi Sọ xuất hiện các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Nhiều cụm đất đá ở những điểm này đã “no nước” sau những cơn mưa lớn vừa qua khiến người dân sống trong lo lắng.
Đặc biệt cơn bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền Bắc khiến người dân nơi đây thêm phần bất an.
Sống dưới chân núi Sọ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Mai Vân (thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn) luôn thấp thỏm, lo lắng vì sợ núi lở.
“Tôi vẫn còn nhớ vụ sạt lở cách đây vài năm khiến đất đá ập xuống sát chân nhà tôi. Từ đó hễ có bão hay mưa lớn, chúng tôi sẽ lập tức di dời đến nơi khác để đảm bảo an toàn. Vừa bước vào mùa mưa bão, gia đình tôi đã cảm thấy bất an, ngủ không ngon giấc", chị Vân chia sẻ.
Trong đợt mưa lớn vào tháng 10-2022, nhiều căn nhà ở khu vực này đã xuất hiện nhiều vết nứt và có dấu hiệu sụt lún khiến người dân lo lắng.
Theo anh Nguyễn Quang Thiện (thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn), khu vực nhà anh nằm trong diện quy hoạch di dời nên hiện tại anh chưa thể sửa chữa, gia cố nhà cửa.
“Nhiều năm nay nhà tôi xuất hiện các vết nứt trên tường khiến nước mưa thấm vào nhà. Tôi mong sớm được chuyển đến khu định cư mới an toàn hơn để chúng tôi có thể yên tâm làm ăn”, anh Thiện cho biết.
Ông Hồ Văn Y - phó chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết chính quyền xã luôn theo sát các điểm có nguy cơ sạt lở trên núi Sọ. Xã đã chủ động tách các dòng chảy trên các sườn đồi để tránh việc nước mưa chảy ào ạt về một chỗ, từ đó giảm bớt nguy cơ sạt lở.
“Từ năm 2020, núi Sọ đã xuất hiện một vài vết nứt, dẫn đến nguy cơ sạt lở. Xã luôn theo dõi tình hình mưa lũ để có phương án di tán dân cư kịp thời trong khu vực dưới chân núi Sọ. Phía người dân cũng rất chủ động trong việc di dời đến nơi an toàn khi có mưa bão”, ông Y nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận