Đại diện báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, Sở NN&PTNT Vĩnh Long và nhà tài trợ Công ty Xi Măng INSEE trao tặng 100 bồn chứa nước cho hộ dân xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm - Ảnh: CHÍ HẠNH
Tổng kinh phí bồn chứa nước là 232 triệu đồng do Công ty Xi Măng INSEE và bạn đọc báo Tuổi Trẻ ủng hộ thuộc chương trình "Nước cho vùng hạn mặn" do báo Tuổi Trẻ phát động.
Cù lao Dài nằm giữa dòng sông Cổ Chiên. Người dân vùng này chủ yếu sống nhờ vào cây ăn trái, quanh năm cù lao được bao phủ một mảng xanh của vườn tược.
Cuối năm 2019, dân cù lao Dài hứng chịu đợt xâm nhập mặn lịch sử, với độ mặn lên đến 10,4‰ so với mốc lịch sử năm 2016 là 9,6‰.
Ông Phan Văn Tư, ngụ xã Thanh Bình nhớ lại, từ tết cho đến tận cuối tháng 3 năm nay, nước ngoài sông mặn chát, nhà nào có đào ao trữ nước thì còn có cái tưới tiêu được mươi bữa.
"Bên đất liền còn có cống, chứ ở đây nước mặn vây tứ bề từ trước tết tới giờ. Được tặng cái bồn tui quý lắm, để dành chứa nước ngọt, mặn lên mới có xài. Bà con cám ơn nhiều lắm!" - ông Tư nói.
Đại diện Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Vĩnh Long trao 100 bồn chứa nước do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp cho bà con xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm - Ảnh: CHÍ HẠNH
Anh Phạm Tấn Triệu - trạm trưởng trạm cấp nước xã Thanh Bình cho biết nước sinh hoạt ở đây bị nhiễm mặn vào các đợt xâm nhập mặn là chuyện thường kỳ.
"Mặn thì mặn chứ nhà máy vẫn phải cấp nước cho dân. Người xứ khác đến đây uống nước không nổi, dân ở đây quen rồi. Nhà máy chỉ xử lý nước giảm mặn được 1‰, nếu xử lý mà còn hơn 4‰ thì nhà máy dừng hoạt động" - anh Triệu cho hay.
Theo ông Hồ Văn Trọn - phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, toàn xã có hàng nghìn hecta cây ăn trái bị ảnh hưởng.
"Mặn xâm nhập là cả xã bị ảnh hưởng toàn bộ kéo dài cả chục ngày. Dù chủ động đóng cống, bọng, tích trữ nước trong ao nhưng cũng chỉ cầm cự chứ không thể chống lại mặn. Cây trái trong vùng cũng héo hon, rụng trái và mất mùa" - ông Trọn cho biết.
Đại diện Công ty Xi Măng INSEE trao bồn nước cho người dân xã Quới Thiện - Ảnh: CHÍ HẠNH
Xã Thanh Bình và Quới Thiện được Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đầu tư hai trạm cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, có thời điểm nước sông bị nhiễm mặn nên bà con trong vùng đành chấp nhận sử dụng nước có vị mặn chát để ăn uống hàng ngày.
Có 2 công sầu riêng ở xã Quới Thiện, bà Lê Thị Năm, 71 tuổi nói: "Đợt mặn vừa rồi kinh khủng lắm, cây trái rụng hết. Nước sinh hoạt mặn chát, có mấy cái lu đựng nước nhưng không đủ".
Ông Văn Hữu Huệ - phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết năm nay bà con bị ảnh hưởng kép bởi dịich COVID-19 và hạn mặn diễn biến rất phức tạp. Người dân của tỉnh rất vất vả trong việc trữ nước sinh hoạt.
"Tôi thấy chương trình trao bồn nước lần này là một hành động mở rộng vòng tay của báo, nhà tài trợ và bạn đọc chia sẻ cùng địa phương. Rất chân thành cám ơn sự chung tay này" - ông Huệ nói.
Người dân vùng xâm nhập mặn Vũng Liêm vui mừng khi được tặng bồn chứa nước - Ảnh: CHÍ HẠNH
Chị Nguyễn Huỳnh Thu - Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long nói: "Đây là tấm lòng san sẻ, tương thân tương ái lúc khó khăn của nhà tài trợ và bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Vĩnh Long sẽ tiếp tục kết nối cùng báo trên tinh thần xung kích, tình nguyện, trách nhiệm chung tay góp sức cùng cộng đồng".
Anh Lâm Quốc Cường - Trưởng phòng kinh doanh Bắc Mekong Công ty Xi Măng INSEE cho biết rất hân hạnh đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong việc san sẻ khó khăn với bà con vùng hạn mặn.
Đây là đợt hỗ trợ vùng hạn, mặn thứ 2 của báo Tuổi Trẻ trong năm 2020 với 1.200 bồn chứa nước nhựa 500 lít, tổng kinh phí gần 1,4 tỉ đồng trao đến bà con bị thiệt hại nặng tại 6 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau.
Ngoài ra, xi măng INSEE còn tài trợ chương trình thực hiện một công trình đường dẫn nước sạch cho bà con ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang trị giá hơn 250 triệu đồng và ủng hộ 500 tấn xi măng cho 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau để thực hiện các công trình xây dựng hỗ trợ bà con vùng hạn, mặn.
Tổng kinh phí ủng hộ tiền mặt và sản phẩm của Công ty Xi Măng INSEE trị giá 1,5 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận