Con khỉ đuôi dài mà ông Nguyễn Văn Vinh ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tự nguyện giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI
Lực lượng kiểm lâm đã đến nhà ông Vinh tiếp nhận con khỉ đuôi dài trên đưa về Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi chăm sóc sức khỏe trước khi thả về tự nhiên.
Con khỉ đuôi dài trên là khỉ đực, nặng khoảng 4kg, có tên khoa học là Macaca fascicularis, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm (theo nghị định 84/2021/NĐ-CP).
Theo ông Vinh, con khỉ trên ông mua của người bán dạo trong quá trình làm tài xế lái xe trên đường và được nuôi trong chuồng khoảng một năm rưỡi nay. Đến nay khỉ chưa sổng chuồng cũng như chưa cắn ai.
Ông Vinh giao con khỉ trên cho lực lượng chức năng với mong muốn khỉ được trở về với môi trường tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, từ năm 2019 đến tháng 3-2022, đơn vị đã tiếp nhận hơn 800 động vật hoang dã quý hiếm (thuộc nhiều loài), chủ yếu do người dân tự nguyện giao.
Sau khi tiếp nhận, các động vật trên được đưa về Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chăm sóc sức khỏe trước khi thả về rừng. “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục khuyến cáo, vận động người dân nên chuyển giao số cá thể động vật hoang dã đang nuôi cho đơn vị, để thả những cá thể này về rừng”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Con khỉ đuôi dài được cho vào thùng nhựa chuyên dụng trước khi đưa lên xe chở về Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi - Ảnh: NGỌC KHẢI
Không nên tự ý nuôi khỉ
Theo một cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, người dân không nên tự ý nuôi khỉ cũng như một số loài động vật hoang dã khác vì chúng có bản năng tự nhiên có thể tấn công gây hại cho người.
Về hậu quả do động vật hoang dã gây ra vào năm 2021 và đầu năm 2022 tại TP.HCM, đó là việc khỉ cắn người, hoặc khỉ phá phách cũng như lấy đồ của nhà người dân. Khi nhận thông tin về các sự việc trên, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã cử cán bộ đến nơi bắt khỉ đưa về cứu hộ trước khi thả về rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận