Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Quyền Ảnh: T.PHÙNG |
* Thưa ông, vì sao phương án chuyển phí xăng dầu hiện tại sang quỹ bảo trì đường bộ, đồng thời xóa các trạm thu phí đường bộ được cho là dễ thực hiện nhất lại không được áp dụng?
- Đúng là có phương án sử dụng phí xăng dầu hiện nay (đang thu 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít diesel nộp vào ngân sách) chuyển sang quỹ bảo trì và không thu thêm nữa. Nhưng khi đưa ra bàn thì việc tổ chức hoàn phí cho người không sử dụng đường bộ rất khó. Trước năm 2004 cũng đã có thực hiện việc này nhưng do vướng cách hoàn trả cho người sử dụng xăng dầu ngoài đường bộ nên mới dừng lại và chuyển sang hình thức thu phí qua trạm thu phí đường bộ.
* Nhưng có ý kiến cho rằng nếu thực hiện phương án như Tổng cục Đường bộ kiến nghị thì ôtô sẽ chịu bốn lần phí và xe máy sẽ chịu hai loại phí?
"Mọi người đều kêu ngành đường bộ, chúng tôi vừa xấu hổ vừa buồn với thực trạng đường sá xuống cấp nên mong muốn sự đồng thuận của mọi người tham gia giao thông để nâng cấp kết cấu hạ tầng" Ông Nguyễn Văn Quyền |
Theo phương án chúng tôi đề xuất, môtô, xe máy sẽ chịu phí 1.000 đồng/lít xăng qua thuế nhập khẩu xăng dầu. Mức thu xe máy không phải là cao. Mọi người cũng nên đóng góp một chút để giao thông giữ được và phát triển. Mọi người đều kêu ngành đường bộ, chúng tôi vừa xấu hổ vừa buồn với thực trạng đường sá xuống cấp nên mong muốn sự đồng thuận của mọi người tham gia giao thông để nâng cấp kết cấu hạ tầng.
* Việc thu phí theo hai hình thức sẽ gây nhiều áp lực cho người sử dụng ôtô, xe máy, làm tăng giá thành vận tải và rắc rối khi thực hiện thu phí?
- Nếu chỉ thu qua xăng dầu thì mức thu với xăng dầu sẽ phải tăng lên và các đối tượng sử dụng xăng dầu không tham gia giao thông đường bộ sẽ thấy mất công bằng và hoàn phí khó khăn. Nếu chỉ thu qua đầu phương tiện thì phải thu đối với cả môtô, xe máy và tổng số thu phải tăng lên. Với số lượng môtô, xe máy hiện nay, tổ chức thu sẽ khó khăn, thất thu lớn, chi phí thu sẽ tốn kém và rất khó thực hiện. Phương án thu kiểm soát được và tổn thất thấp là thu theo đầu ôtô để đảm bảo không thất thu, chi phí tổ chức thu khoảng 1,5% so với tổng thu.
Nếu thu qua xăng 1.000 đồng/lít thì đối tượng chịu phí là toàn bộ môtô, xe máy, xe con, xe tải nhẹ. Xăng chủ yếu sử dụng cho phương tiện đường bộ, đối tượng khác dùng rất ít nên không đặt vấn đề hoàn trả. Với xe tải khác và các phương tiện sử dụng diesel thu 330 đồng/lít bằng 1,5% giá bán hiện nay. Như thế các đối tượng sử dụng diesel không tham gia giao thông phải chịu 1,5% giá bán. Mức này cũng không nhiều nên chấp nhận sự công bằng tương đối. Theo tính toán, nếu làm đường sá tốt, tốc độ vận chuyển hàng hóa nhanh thì người nông dân, ngư dân cũng mua sản phẩm với giá rẻ hơn, bán sản phẩm được giá hơn nên cũng được hưởng lợi khi nền kinh tế bù đắp từ cái này sang cái kia. Cái này mong người dân chấp nhận.
* Giới vận tải đường bộ khẳng định thu phí bảo trì đường bộ sẽ làm giá vận tải tăng?
- Nếu xăng dầu tăng thì đúng là chi phí vận tải tăng. Nhưng giá thành vận tải phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu đường tốt, xe chạy được tốc độ tối ưu (70-80km/giờ) thì tiêu hao nhiên liệu ít, năng suất phương tiện cao. Bước đầu thực hiện quỹ bảo trì, đường chưa tốt, giá thành vận tải có nhích nhưng tôi dám chắc sau 1-2 năm đường sá tốt, tốc độ lưu thông tăng thì chi phí vận tải sẽ giảm. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, nếu chi phí 5% cho bảo trì đường bộ thì sau này sẽ lợi gấp 3 lần chi phí đó khi đường sá tốt. Giới vận tải nên hiểu và ủng hộ, nếu giữa họ và cơ quan quản lý nhà nước giằng co sẽ không tạo được đột phá và đường sá vẫn không cải thiện được tốc độ lưu thông.
* Chủ trương của Tổng cục Đường bộ là xóa trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, không xóa trạm BOT, vậy có phải là bất cập khi thực hiện quỹ bảo trì đường bộ không?
- Trong các phương án xây dựng quỹ bảo trì đường bộ không đề xuất bỏ trạm BOT. Họ được Nhà nước cho phép, ký kết hợp đồng kinh tế nên không thể xóa bỏ làm thiệt hại cho họ. Nếu bỏ trạm BOT thì ảnh hưởng rất lớn chủ trương thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng của Nhà nước cũng như nghị quyết của Đảng.
* Thưa ông, Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT có cam kết và chịu trách nhiệm khi người dân đóng phí bảo trì đường mà vẫn gặp tai nạn do đường sá xuống cấp không?
- Nếu quỹ bảo trì hoạt động, kinh phí đáp ứng nhu cầu thì về trách nhiệm, Tổng cục Đường bộ sẽ cam kết cải thiện một cách rõ nét chất lượng đường bộ trong phạm vi về công tác bảo trì với những đường do Tổng cục Đường bộ và các sở GTVT bảo trì. Đảm bảo biển báo, vạch kẻ rõ ràng, đường sá không còn ổ gà. Đường sẽ được sửa chữa đúng quy định đảm bảo tuổi thọ công trình theo thiết kế cũng như hiệu quả chung của mạng lưới đường bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đó là cam kết chính trị.
Theo phương án mà Tổng cục Đường bộ vừa kiến nghị Bộ GTVT, sẽ chia nhóm ôtô để thu phí theo đầu phương tiện. Cụ thể: xe con, xe du lịch dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn thu 180.000 đồng/tháng; xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, xe khách từ 12 ghế đến 30 ghế thu 270.000 đồng/ tháng; xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn, xe khách từ 31 ghế trở lên, xe đầu kéo để chở container 20 feet, 40 feet và tương đương thu 296.000 đồng/tháng; xơmi rơmooc chở container 20 feet và tương đương thu 324.000/tháng; xơmi rơmooc chở container 40 feet và tương đương thu 1,044 triệu đồng/tháng; xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe tải chở hàng bằng container 20 feet thu 720.000 đồng/tháng; xe tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet thu 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với thu phí qua thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel (1.000 đồng/lít xăng, 330 đồng/lít diesel) thì các công ty, đầu mối kinh doanh xăng dầu khi kê khai thuế nhập khẩu xăng dầu phải kê khai tỉ lệ mức phí dành cho bảo trì đường bộ và nộp vào quỹ bảo trì đường bộ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận