Lực lượng chức năng giúp người dân phường Tam Quan Bắc gia cô nhà cửa - Ảnh: LÂM THIÊN
Trưa 27-9, ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết hiện tại toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn toàn tỉnh đã neo đậu an toàn. Cụ thể, có 350 tàu thuyền neo đậu tại cảng Quy Nhơn, 220 tàu trú cảng Đề Gi, 1460 tàu neo đậu cảng Tam Quan.
Trưa cùng ngày, ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã và đang vận động người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng nguy hiểm và triều cường đến nơi trú ẩn an toàn. "Đến 15h chiều nay, công tác di dời dân đến nơi an toàn tại Bình Định sẽ hoàn tất", ông nói.
Tại thị xã Hoài Nhơn, các lực lượng chức năng đang ráo riết giúp đỡ, vận động các gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao đến nơi trú ẩn an toàn. "Chúng tôi đang nỗ lực giúp người dân chằng chống, gia cố nhà cửa. Ngoài ra, các gia đình có cụ già, trẻ nhỏ, gia đình neo đơn đang được các lực lượng đưa tới nơi trú bão an toàn", ông Phạm Tiến Dũng - bí thư, chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc - thông tin.
Người dân ven biển xã Tam Thanh đem đồ đạc lên xe đi tránh bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 27-9, tại tuyến đường ven biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán người dân ở những vùng nguy hiểm, nhà cửa xuống cấp không an toàn đến các địa điểm như ký túc xá Trường cao đẳng nghề Quảng Nam, Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam, Bộ đội biên phòng để tránh trú bão.
Người dân tất bật sắp xếp đồ đạc, vật dụng gọn nhẹ đến các nhà văn hóa thôn và được xe buýt chính quyền bố trí chở đến nơi trú bão.
Ông Võ Văn Danh (60 tuổi, trú thôn Hòa Thương, xã Tam Thanh) cho biết trong hai ngày qua, gia đình ông đã lo chằng chống nhà cửa. "Nghe bão rất mạnh, chính quyền thực hiện sơ tán nên gia đình tui sáng nay dọn đồ đạc đem theo để chính quyền bố trí xe chở đi trú bão" - ông Danh nói.
Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đón bà con trú bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Cả gia đình sáu người của bà Đinh Thị Giàu (53 tuổi) cũng đóng cửa nhà, dọn đồ đạc đến điểm nhà văn hóa thôn để lên xe buýt đến nơi trú bão. "Nhà mình cấp bốn xuống cấp, sợ không an toàn nên khi chính quyền thông báo, tôi cùng các con đi đến nơi an toàn tránh bão. Nhà cửa để đó, lo cho con người cái đã vì nghe bão rất mạnh" - bà Giàu nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND xã Tam Thanh - cho hay chính quyền xã sáng nay đã triển khai lực lượng di dời khoảng 1.000 người dân đến nơi an toàn, số còn lại chính quyền thực hiện xen ghép ở với những nhà dân cao tầng, chắc chắn hơn hoặc người dân đến khách sạn, nhà nghỉ trú bão. Phương tiện đưa đón, hỗ trợ ăn uống đều được thành phố lo hết cho bà con.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn - hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam - cho hay sáng nay trường bố trí chỗ ở khu giảng đường để đón bà con vào tránh trú bão. Đây là khu rất rộng, có khoảng 28 phòng, mỗi phòng có thể bố trí cho 20-30 người ở. Bà con trong quá trình ở, sinh hoạt được lực lượng xung kích của trường hỗ trợ tối đa.
Theo ghi nhận đến 10h30 cùng ngày, công tác di dời, sơ tán dân ở những vùng ven biển của TP Tam Kỳ đã cơ bản hoàn thành, hàng chục chuyến xe đã đưa người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ đã được lực lượng chức năng đưa xe đón đưa đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng giúp người già ở xã biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ lên xe đến nơi an toàn trú bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã vận động sơ tán tập trung 721 người và xen ghép 825 người đến khu vực an toàn để phòng, chống bão. Hiện nay trên địa bàn xã có 403 tàu thuyền, trong đó 23 phương tiện đánh bắt xa bờ.
Đến nay có 19 tàu thuyền đã vào nơi trú tránh an toàn tại các âu thuyền như Trường Sa, Hoàng Sa. Còn 3 phương tiện hoạt động trong phạm vi ảnh hưởng của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.
Tại xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam, 9h sáng 27-9 những người dân đầu tiên cũng đã được đưa lên xe về khu lưu trú Hoiana trú ẩn. Ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) - cho biết đơn vị này đã bố trí tổng cộng 400 phòng, mỗi phòng 4-5 giường cho bà con vào trú bão. Ngoài Duy Hải, người dân làng biển xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cũng được tiếp nhận.
Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống cho biết có khoảng 2.000 người dân buộc phải rời nhà đi sơ tán. Xã Duy Hải nằm trong vùng giải tỏa dự án khu du lịch, nhiều năm qua bà con không được sửa sang nhà cửa khiến chỗ ở của người dân xuống cấp nặng nề.
Ngoài Hoiana, từ sáng 27-9, các khách sạn, villa, nhà dân và trường học tại Hội An cũng bắt đầu mở cửa đón người dân vào tránh trú miễn phí.
Cụ Lê Thị Hột - 92 tuổi, thôn 2 Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) được dìu tới khu tránh bão - Ảnh: B.D.
Sáng 27-9, các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang khẩn trương sơ tán hơn 14.000 người dân đến nơi an toàn. Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, cho biết việc di dân sẽ hoàn thành trước 12h trưa nay 27-9.
Toàn bộ chợ trên địa bàn tỉnh cũng được yêu cầu đóng cửa trước 14h chiều để chống bão.
Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỉ m3 (tổng công suất lắp máy là 459MW). Hiện nay mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn.
Ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, neo đậu tàu trên âu thuyền - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tại Đà Nẵng, sáng nay 27-9 vẫn có nhiều ghe nhỏ tiếp tục được đưa lên bờ. Theo các ngư dân, do tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) có rất đông tàu lớn nên ngư dân địa phương chủ động đưa ghe nhỏ lên bờ đề phòng khi sóng lớn.
Theo đại diện lực lượng bộ đội biên phòng Đà Nẵng, trong sáng nay đã phát sinh thêm 111 tàu cá các loại của ngư dân các tỉnh miền Trung và miền Tây vào âu thuyền Thọ Quang với hơn 500 ngư dân nên lực lượng biên phòng đề nghị thành phố sớm bố trí nơi ở để ngư dân an tâm lên bờ trú bão.
Ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết chỉ đạo của Thủ tướng là tuyệt đối không để ngư dân ở tại tàu thuyền khi bão đổ bộ. Do vậy từ sau thời điểm 14h hôm nay không được để ngư dân trên tàu thuyền, trường hợp cố tình không chấp hành thì cưỡng chế.
Ông Chinh đã giao cho UBND quận Sơn Trà chủ trì bố trí nơi ăn chốn ở cho hơn 500 ngư dân này ngay trong trưa nay.
Theo ghi nhận của phóng viên, tới trưa 27-9 hầu hết các tàu thuyền đã neo đậu ổn định trong khu âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Tại xã biển Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, lực lượng chức năng cũng đang hỗ trợ người dân đi sơ tán. Xã biển này là nơi bão Chan Chu từng quét qua khiến nhiều người dân chết. Trong đó, thôn Tân An còn có tên gọi khác là xóm Chan Chu.
Quảng Ngãi cảnh báo "mưa như trút nước" đến 500mm sẽ gây thiên tai kép
Sáng 27-9, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết do ảnh hưởng của bão số 4 nên vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi, bao gồm huyện đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17. Sóng biển cao 911m, biển động dữ dội.
Đến trưa chiều ngày 27-9, vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 15-16; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Đối với khu vực ven biển Quảng Ngãi (đặc biệt cần chú ý phía bắc tỉnh) có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; sau tăng lên cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15, từ đêm nay các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8 sau tăng lên cấp 9 -10; giật cấp 11 - 12.
Ông Sỹ cũng lưu ý các vùng xung yếu ven bờ biển, cửa biển người dân cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 1,2-1,7m và mực nước dâng kết hợp với thủy triều cao 2-2,5m và có sóng lớn. Do nhiều tác động nên nhiều khu vực ven biển Quảng Ngãi khả năng cao xảy ra lốc xoáy.
Ngoài ra, ông Sỹ cũng cho biết, do ảnh hưởng bão số 4 nên trong 2 ngày 27 và 28-9, trên diện rộng toàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa toàn đợt phổ biến 200 - 400mm, phía bắc tỉnh có nơi trên 500mm. Cần chú ý đề phòng có lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp.
Lực lượng chức năng hỗ trợ một cụ bà già yếu đi tránh bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Mặc dù đi đến nơi an toàn trú bão nhưng bà Trần Thị Chiến (65 tuổi, thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) vẫn bồn chồn vì sợ nhà mình hư hỏng sau bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Cụ già tất tả mang đồ đạc lên xe buýt đi tránh bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Người già được đưa đến nơi tránh bão an toàn - Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam được sơ tán vào nơi an toàn lúc 9h sáng 27-9 - Ảnh: B.D.
Ông Nguyễn Minh Nam - phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, Quảng Nam hỏi thăm người dân trên xe đi sơ tán - Ảnh: LÊ TRUNG
Gia đình chị Trịnh Thị Vân, ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi có 5 cháu nhỏ, trong đó có 1 cháu mới sinh được 7 ngày, được công an TP Quảng Ngãi đưa đến Trạm y tế xã tránh bão - Ảnh: TRẦN MAI
Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) giúp dân di dời đến nơi trú bão - Ảnh: T.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận