22/03/2016 11:09 GMT+7

Người Đan Mạch chẳng bao giờ nhận mình là người hạnh phúc

QUẾ VIÊN (Từ Copenhagen)
QUẾ VIÊN (Từ Copenhagen)

TTO - Được xếp là nước đứng đầu danh sách “Những quốc gia hạnh phúc nhất”, thế nhưng người dân Đan Mạch chẳng mấy quan tâm, họ chỉ tự hào là đất nước này luôn được xem là một trong những nước minh bạch nhất thế giới.

Người dân Đan Mạch vui vẻ trong lễ hội hóa trang ở thủ đô Copenhagen - Ảnh: Reuters
Người dân Đan Mạch vui vẻ trong lễ hội hóa trang ở thủ đô Copenhagen - Ảnh: Reuters
Người Đan Mạch hiếm khi vừa đi đường vừa “alô”, còn chuyện ngồi cùng bạn bè trong quán cà phê, nhà hàng mà chúi đầu vào điện thoại di động bị xem là cực kỳ bất lịch sự

 

Đọc tin Đan Mạch lại đứng đầu danh sách “Những quốc gia hạnh phúc nhất” do Tổ chức Hệ thống giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Viện Hoàn cầu - Đại học Columbia (Mỹ) công bố, nhiều người hỏi tôi cảm tưởng khi sống tại “xứ hạnh phúc” này.

Phải nói ngay là dư luận Đan Mạch chẳng mấy quan tâm đến thông tin này. Truyền hình loan tin phớt qua, báo chí có tờ đưa tin ngắn gọn, có tờ không. Thái độ này không phải do danh sách trên không có uy tín hay họ xem đó là điều đương nhiên.

Chỉ là vì “hạnh phúc” là một khái niệm rất trừu tượng và xã hội nào cũng có những vấn đề đặc thù. Người Đan Mạch chỉ tự hào là đất nước này luôn được xem là một trong những quốc gia minh bạch nhất thế giới.

Một “xứ hạnh phúc” rất đỗi giản dị

Do thời tiết Bắc Âu khắc nghiệt và ảnh hưởng của quốc giáo - đạo Tin Lành phái Luther nên người Đan Mạch rất thực tế. Họ trọng sự giản dị, khiêm tốn, không thích những biểu hiện khoa trương.

Bia Carlsberg nổi tiếng của họ chỉ nhận là “Probably the best beer in the world” (Có lẽ là loại bia ngon nhất thế giới) mà thôi.

Thế nên nếu có những du khách Việt đến Đan Mạch để xem “xứ hạnh phúc” là như thế nào thì e nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng trước cuộc sống nơi đây.

iPhone, smartphone đời mới không xuất hiện nhan nhản như tại các thành phố lớn châu Á. Các chuyên gia còn khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho con cái dưới 16 tuổi sử dụng smartphone để hạn chế những tác động tiêu cực.

Và cho dù Đan Mạch nổi tiếng thế giới về ngành thiết kế nhưng những người trẻ lại ăn mặc khá giản dị. Màu sắc được chuộng nhất là màu đen, vì như một bạn trẻ giải thích với tôi là dễ phối hợp các món trang phục, phụ kiện, lại không bao giờ hết mốt.

Người ta cũng không quan tâm đến chuyện bạn mang túi xách trị giá 300 kroner (khoảng 1,2 triệu đồng) hay 30.000 kroner, miễn đó không phải hàng giả hay hàng nhái.

Tại thủ đô Copenhagen, phương tiện giao thông được ưa chuộng nhất là... xe đạp. Người Đan Mạch rất thích đi xe đạp, chỉ trừ khi trời đổ tuyết hoặc đường sá trơn trượt vì băng giá, do đó là cách kết hợp di chuyển với vận động giữ gìn sức khỏe.

Vả lại tại thủ đô rất khó kiếm chỗ đậu xe hơi, đậu sai chỗ thì bị phạt nặng, bất kể là ai.

Báo MetroXpress ngày 17-3 vừa đưa tin nhiều nhà ngoại giao các nước không đóng tiền phạt từ năm 2013-2015. Đứng đầu là Trung Quốc không đóng toàn bộ 211 phiếu phạt. Trong top 5 còn có Nga, Gruzia, Ai Cập và Iran.

Tuy GDP bình quân đầu người đứng thứ sáu thế giới nhưng ở đây không thấy có cảnh đoàn siêu xe diễu phố.

Cách đây vài năm, khi ca sĩ Justin Timberlake đòi phải có đủ 12 xe Limousine đưa đón khi đến biểu diễn tại Copenhagen thì dư luận đã lên tiếng phản đối kịch liệt.

Họ xem đây là sự khoa trương quá mức kiểu “nhà giàu mới”, sẽ gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường nên ban tổ chức phải rút xuống còn tám chiếc và giới hạn lộ trình.

Không phải người Đan Mạch không có khái niệm về chuyện làm ăn trong giới showbiz là phải “hoành tráng”, nhưng với họ thì lợi ích cá nhân không thể cao hơn lợi ích tập thể, thiểu số không hơn đa số.

Xứ hạnh phúc cũng có lắm vấn đề

Người Đan Mạch chẳng bao giờ nhận mình là người hạnh phúc. Họ không ngớt than phiền về tình trạng thiếu bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện công (tất nhiên theo tiêu chuẩn bác sĩ/đầu bệnh nhân của khối Scandinavia), học sinh phải học quá nhiều giờ...

Nhưng kêu ca nhiều nhất là giá sinh hoạt quá đắt đỏ, chỉ riêng thực phẩm các loại đã cao hơn bên Đức 30%.

Chế độ phúc lợi cho mọi người cũng bị không ít người lợi dụng. Họ ỷ lại vào đó, viện đủ lý do để không phải đi làm rồi lãnh trợ cấp. Lại có nhiều người chỉ đi làm việc một thời gian tối thiểu theo luật định, sau đó kiếm cớ về hưu non, ngồi nhà thảnh thơi lãnh tiền hưu trong nhiều năm sau.

Chính phủ không phải không nhận ra những vấn đề này nhưng không dám mạnh dạn cải tổ vì sợ mất phiếu!

Gánh nặng phúc lợi xã hội tất nhiên đè lên vai những người đóng thuế. Nếu tính cả thuế trực thu lẫn gián thu thì một người có thu nhập (lương hưu cũng tính là thu nhập) phải đóng từ 50-75% tiền mình kiếm được hằng tháng.

Tuy vậy người Đan Mạch vẫn nghiêm chỉnh chấp hành, một phần vì cơ quan thuế vụ làm việc cực kỳ chặt chẽ, các tội trốn thuế, sử dụng lao động nhập cư chui... nếu phát hiện sẽ bị phạt rất nặng.

Mặt khác, cho dù than phiền người ta vẫn đóng thuế vì tin rằng tiền thuế mình đóng sẽ được sử dụng đúng mục đích.

Vả lại họ đã quen với chuyện chấp hành luật lệ. Nhớ hồi tháng 1-2015, báo chí nước này đã làm ầm ĩ khi phát hiện xe chở thái tử Frederik đi công vụ đã qua cầu Storebælt nối hai đảo Sjælland và Fyn trong khi cây cầu này tạm đóng vì bão. Họ cho rằng thái tử không thể cao hơn luật pháp.

Tới khi văn phòng của thái tử Frederik chứng minh được họ đã xin phép và được cấp phép qua cầu để thái tử kịp di chuyển giữa hai buổi lễ mà ông là khách mời danh dự thì dư luận mới yên!

Nói chung ở đâu cũng có những khó khăn riêng và hạnh phúc hay không còn tùy thuộc hoàn cảnh, tâm trạng của mỗi người.

Nhưng nếu vương quốc 5,6 triệu dân này được xem là hội đủ điều kiện cho người ta có thể sống hạnh phúc thì điều này không phải do được thiên nhiên ưu đãi hay một lý do nào khác, mà nhờ nỗ lực của chính những người Đan Mạch.

Việt Nam đồng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc

Ngày 20-3, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ), Việt Nam đã phối hợp với Sao Tome và Principe, Palau đồng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc.

Năm 2012, trên cơ sở sáng kiến của Bhutan, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết A/RES/66/281 chọn ngày 20-3 hằng năm là Ngày quốc tế hạnh phúc nhằm đề cao hạnh phúc là mục tiêu và động lực chung của nhân loại, kêu gọi một cách tiếp cận hài hòa, cân bằng hơn trong phát triển kinh tế để đạt được phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Lễ kỷ niệm năm nay có chủ đề “Hạnh phúc trong Chương trình nghị sự LHQ 2030: Hướng tới tầm nhìn phát triển bền vững mới cho con người và Trái đất”.

Phát biểu tại sự kiện, trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, đại sứ Nguyễn Phương Nga, nhấn mạnh Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững chính là định hướng để xây dựng thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn, để mọi người dân trên thế giới đều được sống trong hòa bình, thịnh vượng, bình đẳng và hòa hợp với thiên nhiên.

Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay xây dựng nền tảng của hạnh phúc cho tất cả người dân thông qua thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững để xóa nghèo, thúc đẩy hòa bình, công lý, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

TTXVN

QUẾ VIÊN (Từ Copenhagen)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp