28/03/2023 11:47 GMT+7

Người dân không dám ngủ trong nhà vì sợ sạt lở xuống sông

Một tháng qua ông Nguyễn Văn Tiến (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không dám ngủ trong nhà, phải dọn ra mái hiên để ngủ vì điểm sạt lở phía trước đã lấn vào sát sân, chực chờ cuốn căn nhà xuống sông Trà Lọt.

Người dân không dám ngủ trong nhà vì sợ bị sạt lở xuống sông - Ảnh 1.

Điểm sạt lở trước nhà ông Tiến, ngụ xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khiến gia đình ông không dám ngủ trong nhà - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngày 28-3, đợi lúc thủy triều xuống, ông Tiến dùng bạt để che chắn tạm điểm sạt lở và kéo lục bình rồi "nhốt" lại phía trước cửa nhà với hy vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng lở đất.

Ông Tiến kể lại cách nay gần một tháng, trong lúc mọi người đang nghỉ trưa thì bỗng nghe tiếng ầm ầm, khi nhìn ra phía trước nhà thì thấy khoảng hơn 10m đường bê tông bị lở xuống sông Trà Lọt.

Sau đó đất tiếp tục bị sạt lở theo từng đợt triều cường và đến nay điểm sạt lở trước cửa nhà ông Tiến đã áp sát vào trước sân nhà.

"Từ khi xảy ra sạt lở, cả nhà tôi không dám ngủ trong nhà mà dọn ra phía bên hông để ngủ. Nếu lỡ nhà bị trôi xuống sông thì còn chạy kịp", ông Tiến nói.

Theo ghi nhận, điểm sạt lở trước cửa nhà ông Tiến dài hơn 20m, rộng 3 - 4m. Đây vốn là đường công cộng của khoảng 100 hộ dân phía trong. Tuy nhiên kể từ khi bị sạt lở, người dân phải gửi xe phía ngoài điểm sạt lở rồi đi bộ nhờ qua các nhà dân phía trong.

Cách nhà ông Tiến chừng vài trăm mét, một điểm sạt lở khác trên sông Trà Lọt cũng đang được gia cố tạm thời. Suốt chiều dài khoảng 3km sông Trà Lọt từ ngoài sông Tiền vào, có trên 4 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 300m đang đe dọa nhà cửa, vườn tược của người dân.

Ông Nguyễn Văn Lộc - chủ tịch UBND xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè - cho biết tình trạng sạt lở trên sông Trà Lọt, đoạn chảy qua địa bàn xã Hòa Khánh diễn ra rất phức tạp thời gian qua và gây nhiều thiệt hại. 

Tuy nhiên do kinh phí khắc phục quá lớn nên địa phương chỉ ghi nhận thực tế báo cáo lên cấp trên để xin hướng giải quyết. Theo ông Lộc, nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở trên sông Trà Lọt là do sông này có độ sâu lớn, nước chảy rất mạnh nên dễ xảy ra sạt lở.

Người dân không dám ngủ trong nhà vì sợ bị sạt lở xuống sông - Ảnh 2.

Người dân phải dùng bạt để gia cố tạm các điểm sạt lở trước cửa nhà với hy vọng nhà không bị cuốn trôi xuống sông - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ông Phan Thanh Sơn - phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè - xác nhận tình trạng sạt lở trên sông Trà Lọt trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp và huyện đang hoàn tất thủ tục để nhanh chóng triển khai làm kè kiên cố tại các điểm sạt lở.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, chỉ riêng địa phương này trong năm 2022 đã ghi nhận 62 điểm sạt lở, chiều dài trên 2.100m và ước kinh phí đầu tư khắc phục gần 28 tỉ đồng.

Trong hai năm 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xử lý 5 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 3.000m với kinh phí trên 305 tỉ đồng.

Phú Yên đầu tư 245 tỉ đồng làm các đoạn kè chống sạt lở bờ sông BaPhú Yên đầu tư 245 tỉ đồng làm các đoạn kè chống sạt lở bờ sông Ba

Tỉnh Phú Yên sử dụng ngân sách 245 tỉ đồng để làm bảy đoạn kè chống tình trạng sạt lở bờ sông Ba đang uy hiếp tài sản, tính mạng người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp