Người dân tiếp tục gửi thêm tiền tiết kiệm vào ngân hàng
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư vẫn tiếp tục "chảy" vào ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi thấp nhất trong suốt 20 năm qua.
Thực tế này trái ngược với suy đoán của nhiều người khi cho rằng tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng sẽ được rút ra để "chảy" sang các kênh đầu tư khác.
Đơn cử, tiền sẽ được dùng để mua vàng do giá vàng liên tiếp đạt mức đỉnh của lịch sử hay đầu tư chứng khoán khi thị trường chứng khoán khá sôi động.
Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 3, tiền gửi của dân cư đạt 6,676 triệu tỉ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
So với tháng 2, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng thêm 31.000 tỉ đồng.
Xu hướng người dân gửi thêm tiền vào ngân hàng được duy trì suốt từ tháng 9 năm 2022 đến nay. Duy nhất có tháng 1 vừa qua, lượng tiền gửi có giảm nhẹ.
Còn tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3, đạt 6,627 triệu tỉ đồng, tăng 104.000 tỉ đồng so với tháng 2.
Còn so với cuối năm ngoái, lượng tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giảm hơn 3%, song vẫn duy trì ở mức cao.
Lãi suất tiền gửi vẫn thấp kỷ lục
Còn trên thị trường, lãi suất huy động của ngân hàng vẫn ở mức thấp kỷ lục, như đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là thấp hơn cả thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 và 36 tháng. Lãi suất 2,9%/năm và 4,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng.
Tại các ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất cao nhất cũng dao động quanh mức 5 - 5,6%/năm, tùy từng ngân hàng và kỳ hạn gửi.
Như VPBank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm cho kỳ hạn gửi 24 và 36 tháng.
Còn tại Eximbank, ngân hàng này niêm yết lãi suất tiền gửi hiện hành là 4,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức cao nhất là 5,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận