Bạn đọc cho biết trong khi trước đó chi trả tiền mặt trực tiếp thì thuận lợi và nhanh hơn.
Chúng tôi là những đối tượng người già, khó khăn, có người không có thẻ, không biết dùng thẻ ngân hàng… phải nhờ qua người khác rất khó khăn. Vậy xin hỏi, có thể thay đổi hình thức chi trả tùy theo điều kiện thực tế, như trả bằng tiền mặt như trước đây được không?
Về vấn đề này, bà Phan Quỳnh Dao - phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ - trả lời:
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với các đối tượng đang hưởng chính sách an sinh xã hội, Cần Thơ đang từng bước thực hiện triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội tại cộng đồng.
Theo đó đối tượng bảo trợ xã hội sẽ từng bước được chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số. Riêng các trường hợp đặc thù (già yếu, đau ốm, khuyết tật không thể đi lại được và không có người nhận thay hoặc trường hợp đặc biệt khác), vẫn tổ chức dịch vụ chi trả tại nhà như trước.
Hiện việc chi trả hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện thông qua 2 tổ chức dịch vụ chi trả là Bưu điện thành phố và Viettel Cần Thơ. Qua Bưu điện thành phố, vẫn đang chi trả bằng 2 phương thức: chi trả bằng tiền mặt (đối với đối tượng chưa mở tài khoản, đối tượng đặc thù) và chi trả qua tài khoản ngân hàng (đối với đối tượng đã mở tài khoản ngân hàng). Đối tượng bảo trợ xã hội sau khi mở tài khoản ngân hàng có thể rút tiền mặt tại máy ATM, phòng giao dịch của ngân hàng hoặc đến Bưu điện văn hóa cấp xã xuất trình thẻ ATM để rút tiền mặt.
Viettel Cần Thơ thực hiện thí điểm chi trả qua tài khoản điện tử (cài đặt ứng dụng Viettel Pay trên điện thoại) tại quận Ninh Kiều và huyện Thới Lai. Đối tượng bảo trợ xã hội mở tài toản thanh toán Viettel Pay có thể rút tiền mặt tại các đại lý của Viettel trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Từ tháng 6-2023 đã mở tài khoản và chi trả không dùng tiền mặt cho khoảng 27% đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng, theo định hướng đến cuối năm 2024 phải đạt tỉ lệ khoảng 30% đối tượng đang quản lý được chi trả không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như bạn đọc báo Tuổi Trẻ phản ánh ở trên. Do đối tượng nhận bảo trợ xã hội đa số có hoàn cảnh khó khăn, chưa có tài khoản ngân hàng; nhiều người không biết chữ, không có điện thoại hoặc không biết sử dụng điện thoại trong giao dịch rút tiền; không có phương tiện di chuyển từ nhà đến điểm rút tiền, không đồng ý ủy quyền người khác nhận tiền trợ cấp qua tài khoản, không đồng tình việc chi trả qua tài khoản...
Do đó dẫn đến có trường hợp tương tự như trên, khiếu nại không nhận được tiền chi trả mặc dù tiền đã được chuyển vào tài khoản, đối tượng không biết cách kiểm tra tài khoản và không biết cách rút tiền qua ATM.
Một nguyên nhân khách quan khác là các điểm rút tiền (máy ATM, Bưu cục văn hóa cấp xã) chưa đảm bảo phủ đều khắp địa bàn xã, phường, thị trấn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các quận huyện thường xuyên rà soát đối tượng không đảm bảo điều kiện nhận chi trả qua tài khoản để có hình thức ủy quyền người nhận thay hoặc chuyển đổi chi trả bằng tiền mặt.
Với Bưu điện thành phố, bố trí tiền mặt và nhân lực thường xuyên phục vụ việc rút tiền mặt tại Bưu điện văn hóa cấp xã để đảm bảo đối tượng bảo trợ xã hội có thể rút tiền tại máy ATM hoặc tại Bưu điện văn hóa cấp xã.
Phối hợp với các ngân hàng tổ chức các điểm chi trả lưu động, tổ chức rút tiền qua tài khoản điện tử tại các địa bàn chưa có điểm Bưu điện văn hóa cấp xã (hoặc đang tạm ngưng hoạt động).
Trong thời gian tới tập trung triển khai tổ chức lại hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa cấp xã đang tạm ngưng hoạt động; tiếp tục duy trì thực hiện việc chi trả tiền mặt đối với các đối tượng bảo trợ xã hội chưa đủ điều kiện mở tài khoản chi trả điện tử; tiếp tục chi trả tận nhà đối với các trường hợp đặc thù…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận