01/12/2020 08:26 GMT+7

Người dân đốt pháo nào để vui đúng luật?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Nhiều người đang hiểu không rõ về nghị định 137/2020 về việc loại pháo hoa nào được phép đốt trong các dịp lễ, tết, sinh nhật... Hiểu như thế nào về đốt pháo đúng luật?

Người dân đốt pháo nào để vui đúng luật? - Ảnh 1.

Dàn pháo với 49 viên nhập từ Trung Quốc được người bán hướng dẫn cách chơi - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chiều 30-11, đại tá Vũ Minh Hùng - trưởng Phòng hướng dẫn quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) - đã có trao đổi chi tiết với Tuổi Trẻ về một số điểm mới xung quanh quy định này.

* Cần hiểu như thế nào cho đúng về pháo hoa và pháo hoa nổ, thưa ông?

- Nhiều người nhận thức rằng những loại pháo hoa nổ mà quân đội bắn hay người dân đang sử dụng trái phép là pháo hoa. Những nhận thức như vậy là chưa đúng. Thực chất những loại pháo hoa đấy có chứa đầy đủ yếu tố pháo nổ, mức nguy hiểm còn trên cả pháo nổ. 

Pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo nổ mà khi đốt tạo ra tiếng nổ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người.

Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo, thuốc phóng, thuốc hoa mà khi đốt tạo ra tiếng nổ và ánh sáng, âm thanh... Pháo này người dân đang sử dụng trái phép rất nhiều. Phổ biến nhất là pháo 36 quả có tiếng nổ phụt lên trời và nổ tiếp thành hoa trong các dịp tết, đám cưới. 

Pháo này rất nguy hiểm, được tạo ra từ ba loại thuốc nổ, thuốc phóng và thuốc hoa, dễ gây thương tích, cháy nổ. Loại pháo này bị cấm tuyệt đối.

Nghị định mới quy định rõ pháo hoa là gì? Hiểu đơn giản là sản phẩm khi đốt tạo ra màu sắc ánh sáng trong không gian, không gây tiếng nổ và không gây nguy hiểm. Người dân được phép đốt pháo hoa này vào các ngày lễ đã quy định và phải là người dân đủ năng lực hành vi dân sự.

* Pháo hoa đang được bán tràn lan tại các tiệm tạp hóa, nghị định có quy định rõ những cơ sở được bán pháo hoa?

- Nghị định quy định người dân muốn sử dụng thì phải mua tại các cơ sở được phép sản xuất chế tạo, nếu mua tại những nơi không được phép vẫn bị xử lý hành chính theo quy định. 

Hiện chỉ các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ mới được phép sản xuất, nghiên cứu và kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa này.

Người dân đốt pháo nào để vui đúng luật? - Ảnh 2.

Đại tá Vũ Minh Hùng

* Nhưng cũng có ý kiến lo ngại pháo hoa không nổ vẫn nguy hiểm cháy nổ, nên chăng cần có quy định về không gian và thời gian được phép đốt?

- Quy định trong nghị định nói rõ người dân chỉ được đốt trong ngày cưới, lễ hội, sinh nhật và chỉ được đốt trong không gian sự kiện đấy. 

Cầm ra đường đốt đương nhiên vi phạm, tùy mức độ xử lý, nếu có yếu tố gây rối trật tự công cộng thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan pháp luật sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc này.

Từ nay đến trước tết, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết để lực lượng công an cơ sở hướng dẫn cho người dân thực hiện đúng. Một số quy định cụ thể phải xây dựng bằng thông tư thì thời gian tới C06 sẽ tham mưu để bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết. 

Bộ Công an cũng đã có chỉ đạo mở đợt tấn công cao điểm tội phạm, trong đó có tội phạm liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp tết.

Mong cơ quan chức năng mạnh tay

Với nhiều người, nghị định 137/2020/NĐ-CP cho phép người dân được đốt pháo hoa không nổ được xem là tin vui. Quy định mới mang đến nhiều cảm xúc và ý kiến khác nhau. Làm thế nào để vui đúng luật?

Thời gian nghị định 137 có hiệu lực thi hành ngày 15-1-2021, cũng là lúc cận Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Hiện trên mạng đã xuất hiện những thông tin quảng cáo, rao bán pháo. Họ luôn kèm câu "pháo có nguồn gốc hợp pháp, giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền..." và hứa hẹn giao tận nơi.

Không khó để dự đoán rồi đây thị trường pháo sẽ cực kỳ sôi động, pháo trở thành mặt hàng thu hút nhiều sự quan tâm.

Không ít người vẫn nhầm lẫn pháo hoa không nổ với một số loại pháo không được phép mua bán, vận chuyển, sử dụng, cố tình bỏ quên hai chữ "không nổ". Rất đáng lo khi người dân còn ngộ nhận, người bán pháo dùng câu chữ đánh lận để bán hàng.

Những người mua bán trái phép pháo hoa thường sử dụng mạng xã hội để quảng cáo. Nhà nước cũng có thể phổ biến thông tin quy định về pháo trên mạng để người dân tiếp cận nhanh nhất với nguồn thông tin chính thức.

Đặc biệt, vận động người dân không tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ, khuyến khích việc cảnh giác, phát hiện và giao nộp các loại vật liệu nổ (nếu có).

Có cầu ắt có cung, các chiêu tiếp thị pháo bất hợp pháp sẽ ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Nguy cơ xuất hiện các loại pháo hoa lậu, pháo nổ "trá hình" là điều phải dự báo trước. Không loại trừ khả năng lén lút pha trộn một số chất trong danh mục cấm.

Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi những vụ cháy nổ khi xe khách chở pháo lậu. Và mới đây có vụ chở pháo lậu bằng xe máy đã bị phát hiện.

Chủ động ngăn chặn pháo lậu đi kèm với đó là biện pháp xử phạt nghiêm khắc những người bán pháo lậu, chặn ngay từ đầu việc tàng trữ và ý định đốt các loại pháo nguy hiểm xen kẽ với pháo được phép đốt.

Cần tai mắt nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn pháo lậu để có những ngày tết vui trọn vẹn.

Người dân được đốt pháo hoa: Coi chừng hiểu nhầm! Người dân được đốt pháo hoa: Coi chừng hiểu nhầm!

TTO - Chính phủ vừa ban hành nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp