
Làng Câu Nhi với 600 năm tuổi được lựa chọn đặt tên cho xã mới - Ảnh: LÊ QUANG HOÀNG
Ông Hà Sỹ Đồng - quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay Quảng Trị là một trong những tỉnh tiên phong lấy ý kiến người dân về đề án sắp xếp cấp xã. "Đến nay, tỉnh cơ bản nhận được sự đồng thuận của người dân".
Lắng nghe dân, huyện làm việc xuyên cuối tuần
Ông Ngô Quang Chiến - giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị - thông tin các nội dung trong đề án sắp xếp cấp xã đều được người dân đồng tình cao, riêng việc đặt tên ghi nhận nhiều ý kiến.
"Việc đặt tên xã mới thực hiện theo hướng dẫn của trung ương nhưng bà con có nhiều ý kiến. Các huyện rất tích cực, chỉ trong 2 ngày cuối tuần đã lắng nghe, thay đổi và cập nhật phương án đặt tên theo nguyện vọng của dân", ông Chiến cho hay.
Đề án này được người dân đồng tình, hiện chờ HĐND cấp huyện và tỉnh Quảng Trị thông qua trong tuần này.
Quảng Trị sắp xếp còn 37 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, 2 huyện đặt tên theo đánh số thứ tự từ 1 đến 5, 2 huyện đặt tên phương hướng. Trong 2 ngày 19 và 20-4, tức thứ bảy và chủ nhật, đồng loạt các huyện lấy ý kiến người dân.
Ông Võ Đắc Hóa - chủ tịch UBND huyện Gio Linh - cho biết huyện này gặp nhiều khó khăn trong tên gọi xã mới. Theo phương án ban đầu, huyện đặt tên xã theo phương hướng.
"Trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, lãnh đạo huyện làm việc xuyên ngày đêm để thống nhất tên gọi theo nguyện vọng người dân", ông Hóa bộc bạch.
Tương tự, huyện Hải Lăng thay đổi phương án đặt tên, buộc Huyện ủy, UBND huyện phải họp trong cả ngày cuối tuần.
Trong 10 huyện thị toàn tỉnh Quảng Trị, có đến 5 huyện "quay xe" việc đặt tên sau khi lắng nghe người dân. Sau Quảng Trị, nhiều tỉnh thành cũng thay đổi tên gọi xã mới.

Vùng đất Cửa Việt được đặt tên từ thời chúa Nguyễn Hoàng, cách đây 400 năm - Ảnh: HOÀNG TÁO
Lưu giữ tên đất tên làng 500 - 600 tuổi
Những cái tên khô khan ban đầu được thay thế bằng tên đất, tên làng có lịch sử 500 - 600 tuổi, như Ái Tử, Câu Nhi, Diên Sanh, Cửa Việt, Cửa Tùng…
Tại huyện Hải Lăng, tên ngôi làng Câu Nhi được thành lập năm 1429, sớm nhất của vùng Hải Lăng, đã được chọn đại diện cho 3 xã sáp nhập là Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh.
Ngôi làng 600 năm tuổi này đóng một mốc son chói lọi trên con đường học vấn khoa cử vùng Thuận Hóa. Năm 1502, người con vùng "Ô Châu ác địa", nho sĩ Bùi Dục Tài đỗ đạt, trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của xử Đàng Trong, được khắc tên trên bia đá Văn Miếu ở đất kinh kỳ Thăng Long.
Ông Lê Đức Thịnh - chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - tâm sự, việc lấy tên Câu Nhi nhằm khơi gợi về vùng đất hiếu học, nhắc cho thế hệ trẻ sau này noi gương, phấn đấu trong học tập để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tương tự, huyện Triệu Phong lựa chọn Ái Tử đặt tên cho một xã mới. Tên gọi Ái Tử được hình thành từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào cuối thế kỷ XVI. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào vùng đất này để lập dinh trấn, ông đã chọn vùng đất Ái Tử.
Dinh Ái Tử là thủ phủ đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tồn tại từ năm 1558 đến năm 1570 trước khi dời đến địa điểm khác. Việc chọn tên Ái Tử nhằm mục đích gợi nhớ và tôn vinh giá trị lịch sử quan trọng này.
Cũng thay đổi tên gọi, huyện Gio Linh lựa chọn tên Cửa Việt cho một xã vùng biển. Cửa Việt được đặt từ thời chúa Nguyễn Hoàng, nhằm khẳng định chủ quyền biển của người Việt, là một trong những cửa ngõ quan trọng trong giao thương dưới thời các chúa Nguyễn.
Đặt tên theo tên đất, tên làng cổ kính là kết quả của việc lắng nghe và điều chỉnh theo nguyện vọng của người dân. Những cái tên quen thuộc, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa địa phương được người dân dễ dàng chấp nhận và tự hào về đơn vị hành chính mới.
Việc đặt tên cho các xã mới không chỉ đơn thuần là một thủ tục hành chính mà còn là hành động ý nghĩa nhằm bảo tồn di sản, tôn vinh truyền thống, đáp ứng lòng dân và xây dựng ý thức cộng đồng trên nền tảng lịch sử vững chắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận