22/01/2015 10:14 GMT+7

​Người dân chờ bầu chủ tịch phường lâu rồi

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Ðề xuất “Dân bầu trực tiếp chủ tịch phường” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau khi được báo chí đăng tải đã thu hút sự bàn luận sôi nổi của các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Hương - Ảnh: V.V.T.

* Ông NGUYỄN ÐÌNH HƯƠNG (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương):

Ban hành sớm sẽ khơi thông dòng chảy

Từ lâu Ðảng đã có chủ trương về vấn đề này. Ðại hội X (năm 2006) và Hội nghị trung ương 5 (khóa X) đã đề ra việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Ðến năm 2008, các cấp có thẩm quyền chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã nhằm cụ thể hóa các văn kiện nêu trên. Lúc bấy giờ chúng ta dự kiến thực hiện thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã ở một số tỉnh thành với tỉ lệ khoảng 4% số xã của cả nước.

Thời gian tiến hành thí điểm từ năm 2009, đến năm 2011 tổng kết việc thí điểm, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên việc này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi đó, dòng chảy cuộc sống ngày càng đặt ra những vấn đề cấp bách hơn, đòi hỏi cách thức tiếp cận mới đi vào cụ thể trên cơ sở nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Ði vào cụ thể ở đây chính là các định chế dân chủ đại diện và trực tiếp từng bước được thiết lập nhằm thực hiện dân chủ, trước tiên ở cơ sở.

Người dân luôn công bằng, những đóng góp của chính quyền cơ sở đã và đang được ghi nhận. Bên cạnh đó, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật phải thấy rằng người dân cũng kêu ca nhiều về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, chậm trễ giải quyết việc dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp cơ sở.

Không nói đâu xa, những cán bộ về hưu như chúng tôi khi về cơ sở trực tiếp va chạm vào những việc đời thường cần giải quyết của gia đình mới thấm thía, mới hay hai chữ “lên phường” ở nhiều nơi nhọc nhằn như thế nào với người dân.

Mới đây, một vị từng là lãnh đạo Chính phủ khi về sinh hoạt ở địa phương đã nhận xét rằng có những việc không thấy bàn tay quản lý của chính quyền địa phương đâu, nhưng nếu người dân cần cái gì thì lại phải “qua nhiều bàn tay”.

Vẫn tình trạng “nhà ta ta cứ xây”, “ông quy tắc” có xuất hiện thì chỉ cần “làm việc” là xong, nắp cống mất gần hết, hè đường thì được các “ông phường” cho thuê làm bãi đỗ xe cả... Có khi chỉ vì một thủ tục hành chính đơn giản về hộ khẩu, giấy khai sinh nhưng người dân rất vất vả, bị hành hạ.

Rõ ràng khi trao công cụ giám sát cho người dân, bằng cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở, người dân sẽ thể hiện thái độ bằng chính lá phiếu của mình. Qua đó cũng để người dân thêm điều kiện thực hành quyền dân chủ trực tiếp, tạo bước đột phá về dân chủ như tư lệnh ngành nội vụ đã phát biểu.

Người dân chờ đợi được bầu trực tiếp chủ tịch phường và chờ khá lâu rồi.

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: V.V.T.

* Ông ÐINH XUÂN THẢO (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp):

Cần có cơ chế để người dân bãi nhiệm, phế truất

Vấn đề đang có ý kiến khác nhau là chính quyền đô thị có mấy cấp, ba cấp hay hai cấp, nếu là hai cấp thì bao gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp quận hay cấp phường.

Theo tôi, chính quyền đô thị nên có hai cấp, đồng thời tôi ủng hộ phương án nơi không có HÐND cấp phường thì để dân bầu trực tiếp chủ tịch phường. Nếu luật hóa thì chắc chắn sẽ triển khai tốt trong thực tiễn và hoàn toàn phù hợp với các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện nay.

Tất nhiên người dân bầu trực tiếp chủ tịch phường, còn các thành viên còn lại (phó chủ tịch phường) do ông chủ tịch đề xuất cho HÐND cấp trên phê chuẩn và chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm. Bầu cử là quyền dân chủ trực tiếp quan trọng nhất, một khi đã có cơ chế cho dân bầu lên thì cũng cần có cơ chế để người dân bãi nhiệm, phế truất.

Ông Đặng Ngọc Dinh - Ảnh: V.V.T.

* Ông ÐẶNG NGỌC DINH (viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển):

Phải có tranh cử

Về mặt khoa học, có nhiều yếu tố để xây dựng một nền dân chủ, không đơn thuần chỉ bằng lá phiếu, không thể thiếu lá phiếu dù thông qua cơ chế gián tiếp hay trực tiếp. Trong đó dân chủ trực tiếp nếu thực thi được là tốt nhất. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy việc người dân bầu trực tiếp người lãnh đạo chính quyền các cấp là hết sức bình thường.

Theo tôi, không nên phân biệt là cấp phường nơi có HÐND thì HÐND bầu chủ tịch phường, còn nếu không có thì dân bầu. Ðã dân bầu trực tiếp thì dù có hay không có HÐND vẫn nên áp dụng. Và khi áp dụng phải đồng bộ.

Ví dụ như bầu cử trực tiếp thì không nên chỉ bầu cho một người, phải có từ hai, ba ứng viên trở lên, có tranh cử công khai, minh bạch.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp