Sự sống Len lách giữa virus, rác rưởi, lời đồn thổi Dịch cúm gà, hacker, ngã sáu kẹt xe Chúng ta sốngÉp mình xuống sàn nhà chạy trốn cái nóng thiêu thân Chúng ta mơ mộngNhai thật kỹ miếng thịt biến đổi gene Giặt siêu sạch quần áo sidaChúng ta ăn diện Đây, cuộc chiến đấu không tiền khoáng hậu Để mình còn là mìnhMình là sự sống. |
Trở về.
Về lại thành phố tuổi thơ “mỗi sớm mai, cùng với mặt trời / đạp xe dọc bờ sông”.
Về lại cánh đồng làng “bằng bước chân chậm rãi / nối gót người nông dân đi mãi”.
Về lại ngôi nhà mình “nói cười trong gian bếp cũ / đi vào đi ra / ngồi bệt xuống thềm / ngó mây bay trên vườn người khác”.
Về lại A Lưới tìm em Cu Tai: “ta cõng em đi trọn một đời / thơ ta, ta gửi đến bao người / những lời ru ấy rơi trong núi / biết có khi nào em đã nghe?”.
Đó là cuộc trở về của người đàn ông ở tuổi 63. Khác với ngày về của người nữ anh hùng “dòng nhật ký cuối cùng đã viết / giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai” được bình yên, thanh thản với gió thổi mây bay. Người đàn ông 63 tuổi bây giờ đang làm một “chuyến về không hạn định” khi trở lại là một người trong mọi người. Gia tài của anh, vũ khí của anh, ước nguyện của anh, giờ đây là lòng tốt. Lòng tốt đau thành một nỗi buồn. Khó nhọc và nặng nhọc. Nhưng anh thì không muốn đứng lại. Anh còn sống và anh phải đi. Trở về để đi tiếp con đường đã từng đi với ánh mắt nhìn đời ngay thẳng.
Có một con bò mừng người trở về. Nói thế có đúng cho bò không? Hay là đúng cho người, người mừng cho mình khi trở về còn có con bò đứng đó đợi? Hai mươi năm trước người đã thấy nó ung dung tự tại gặm cỏ bên bờ Hương Giang một chiều. Người đã tự cho mình là bạn nó (“tôi với nó lặng im bè bạn”).
Thâm tâm chắc người ước được như nó, thản nhiên sống, thản nhiên gặm cỏ. Từ con mắt bò nhìn “dìu dịu” xuống dòng Hương mà mắt người chợt “trong suốt” thấu ngộ ra những lẽ đời đơn giản, bình thường nhưng sâu sắc, lớn lao mà dễ bị che lấp sau những choàng phủ giả tạo khiến cuộc sống mất đi phần được sống.
Người đã trở về - đó là một “đại quan”, một nhà thơ, một con người.
Và hoàn cảnh, và tâm trạng của cuộc trở về, của người trở về đó đã được giãi bày, bộc bạch, chiêm nghiệm, suy tư trong Cõi lặng - tập thơ mới nhất của Nguyễn Khoa Điềm (NXB Văn Học). Tập thơ không chỉ có những bài thơ mới viết gần đây nhất, theo bước chân người trở về. Có những bài thời gian xa hơn dăm năm, mười năm trước. Nhưng chúng được kết vào tập vì cùng chung một mạch tâm trạng, cảm xúc, chiêm nghiệm của cuộc hành trình đến “cõi lặng” của một người đang cố “vượt qua ghềnh thác / đến những miền trong xanh”.
Thơ cõi lặng vì vậy là tiếng nói trầm ngâm nhẹ nhàng hay đang vượt đến sự nhẹ nhàng. Nói nhỏ, nói ít, nói những điều như không, tập như vị thiền sư đạt đến cảnh giới giác ngộ thì bật ra những lời vô ngôn.
Người mong gì? “Làm một người trắng nợ / Thong dong mà mới mẻ”...
Phạm Xuân Nguyên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận