Suối Vàng - Dankia nhìn từ núi Lang Biang (ảnh chụp năm 2007 ) - Ảnh: N.V.N.
Người Đà Lạt xưa nay uống nước hồ, nên việc bảo vệ những vùng hồ nội, ngoại thành được xem là quan trọng qua các thời kỳ phát triển của TP.
Giữ hồ để có nước uống
Theo Địa chí Đà Lạt, nhà máy nước đầu tiên tại TP này được xây dựng vào năm 1920 với quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng nhu cầu cho những nhóm cư dân đầu tiên - đa số là người Pháp - sống quanh hồ Lớn (hồ Xuân Hương). Sau đó, nhà máy nước này bị dỡ bỏ.
Năm 1937, hồ Than Thở được đào ở đầu nguồn dòng chảy suối Cam Ly. Một năm sau, Nhà máy nước hồ Than Thở được xây dựng với công suất 4.300m3/ngày. Năm 1949, Nhà máy nước hồ Xuân Hương được xây dựng, công suất 8.400m3/ngày.
Một bản phúc trình của Nha Cấp thủy vào tháng 12-1972 mô tả: 2 nhà máy nước này hút nước từ hồ Xuân Hương và hồ Than Thở, qua hệ thống xử lý, rồi chuyển đến cho cư dân Đà Lạt sử dụng thông qua một hệ thống phân phối nước gồm các hồ chứa.
Vì địa thế đồi núi nên cơ quan cấp thủy tại Đà Lạt đã không tạo ra các thủy tháp (như tại Phan Thiết, Sài Gòn...), mà chỉ xây các hồ chứa ở cao điểm của các ngọn đồi trong thị xã.
Trong bối cảnh chiến tranh, việc tổ chức nạo vét hồ, khai thông dòng chảy thật khó khăn, trong khi đó số dân cư ven bờ dòng chảy tăng nhanh, việc trồng trọt sử dụng phân bón hóa học, chất thải sinh hoạt gia tăng, đưa đến nguy cơ ô nhiễm nặng đối với nguồn nước của hai hồ nội thành.
Một cuộc quan trắc của giới chuyên môn y tế và môi trường vào năm 1972 đã báo động về sự "uế nhiễm nguồn nước nghiêm trọng".
Việc xây dựng một nhà máy nước ở hồ Suối Vàng - Dankia, dẫn nước về cho dân trong TP sử dụng đã được tính tới.
Tìm về đầu nguồn
Lúc bấy giờ, vấn đề mà các kỹ sư công chánh, giao thông và thủy cục đưa ra là phải có chương trình bảo vệ cho hồ đầu nguồn Suối Vàng - Dankia. Ủy ban Liên bộ bảo vệ nước hồ Dankia được thành lập vào năm 1974. Tiếp theo đó, có sáu cuộc họp, thảo luận tại Sài Gòn và Đà Lạt bàn về giải pháp. Các
chuyên gia và chính quyền soạn ra một bản dự thảo xác định ranh giới các vùng thuộc lưu vực hồ Suối Vàng - Dankia, lường trước các nguy cơ dẫn đến ô nhiễm cho vùng hồ này và đưa ra một viễn kiến về các dự án (di dân lập ấp, canh nông, du lịch) có thể được phê duyệt trong tương lai trên lưu vực.
Vào năm 1974, khái niệm "hồ Suối Vàng - Dankia" được xác định theo đặc tính lưu vực, bao gồm đồi núi mà phần lớn chưa được khai khẩn, trừ một sở đất canh tác dọc các con suối phía nam lưu vực, kể cả đập nước và hồ Đa Thiện. Hồ này chiếm một khoảng đất rộng 4km2 thuộc quận Lạc Dương, tỉnh Tuyên Đức.
Tháng 11-1974, một bản dự thảo về việc bảo vệ môi trường nước hồ Suối Vàng - Dankia được Ủy ban Liên bộ bảo vệ nước hồ Dankia soạn thảo. Văn bản này xác định trong tương lai hồ sẽ được sử dụng cung cấp nước uống cho thị xã Đà Lạt.
Những tranh chấp
Ủy ban Liên bộ bảo vệ nước hồ Dankia đã tiến hành các cuộc khảo sát về nông nghiệp chi tiết ở lưu vực hồ và ven bờ các dòng chảy, nhằm tính toán giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch. Dự án một nhà máy nước Suối Vàng dự kiến khởi công cuối năm 1975, trù liệu hoàn tất vào cuối năm 1977 với năng suất 20.000m3/ngày.
Ngay từ khoảng thời gian đầu thập niên 1970, những lợi ích kinh tế từ bên ngoài vào đã manh nha tranh chấp ở vùng Suối Vàng - Dankia. Những tranh cãi chưa ngã ngũ thì xảy ra sự kiện lịch sử tháng 4-1975. Câu chuyện dân Đà Lạt uống nước Suối Vàng được chính quyền mới tiếp tục sau đó, với một phần nguồn vốn vay của Đan Mạch.
Một công trình cấp nước sạch Suối Vàng - Dankia được khởi công xây dựng từ năm 1980-1984. Nhà máy xử lý nước thô từ hồ Dankia được dẫn về đồi Tùng Lâm có dung tích 5.000m3 và đi đến các bể chứa trong TP. Trước đó vài năm, công trình cấp nước hồ Chiến Thắng cũng được xây dựng bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt.
Như vậy, đến nay nguồn nước sinh hoạt trong TP Đà Lạt được lấy từ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Chiến Thắng và phần lớn từ hồ tự nhiên Suối Vàng - Dankia.
Môi trường trong lành cho hồ nước Suối Vàng - Dankia đã là một câu chuyện dài chuyển tiếp qua hai thời kỳ chính trị nhưng chung một cách nhìn: cần bảo vệ bền vững chất lượng sống của TP Đà Lạt ngay từ dòng nước và rừng đầu nguồn.
Đập tràn Dankia đầu thập niên 1960 - Ảnh tư liệu
Dự thảo về việc bảo vệ môi trường nước hồ Suối Vàng - Dankia năm 1974 xác định: "Mọi nguồn gốc ô nhiễm xảy ra trên diện tích tiếp giáp bờ hồ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến phẩm chất nước hồ và là một đe dọa thường xuyên, vì lẽ sự ô nhiễm sẽ không đủ thời gian để tự tiêu hủy và nước hồ sẽ không đủ điều kiện để tự thanh hóa nên cần dành riêng một diện tích tiếp giáp bờ hồ gọi là "Vùng bảo vệ", trên đó sẽ loại bỏ hẳn các nguồn ô nhiễm. Phần còn lại của lưu vực được gọi là "Vùng kiểm soát" để đặt dưới sự kiểm soát, tránh gây ô nhiễm và xói mòn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận