PGS.KTS.NGƯT Đặng Thái Hoàng đã viết biên soạn, dịch vài chục cuốn sách về nghệ thuật, kiến trúc, hội họa và cả những ghi chép đời sống. Trong đó, mấy cuốn sách kiến trúc đã mang lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.
Nhưng điều đặc biệt nhất ở người con trai của gia đình trí thức, văn chương nổi tiếng này lại là niềm đam mê lớn với việc sưu tập tranh, tượng. Ngôi nhà bốn tầng của ông Hoàng, có nhà lưu niệm Đặng Thai Mai, được chủ nhân lấp đầy với hơn 200 tranh, tượng.
Nhà lịch sử kiến trúc nổi tiếng
Ông Đặng Thái Hoàng là một "nhân vật" của giới kiến trúc khi ông dày công nghiên cứu và viết nhiều sách về lịch sử kiến trúc, là tác giả của một số công trình kiến trúc lớn, ủy viên Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ từ 1994-1999.
Những cuốn sách về kiến trúc còn đưa ông lên vị trí một chuyên gia uy tín về lịch sử kiến trúc Việt Nam.
Cuốn sách Hà Nội - Tiểu sử một đô thị của GS.TS William S. Logan, một công trình công phu về Hà Nội của một học giả nước ngoài, đã trích dẫn rất nhiều từ các cuốn sách của Đặng Thái Hoàng viết về kiến trúc ở Hà Nội.
Ông Hoàng cũng là một kiến trúc sư tài năng, đã thiết kế nhiều công trình lớn, trong đó có bốn công trình nổi tiếng.
Đó là tòa nhà Trung tâm thông tin Việt Nam thông tấn xã xây dựng năm 1994.
Một công trình khác được xây dựng từ thiết kế của ông Đặng Thái Hoàng năm 1994 là biệt thự số 1 trong khuôn viên Nhà khách quân đội trên phố Phạm Ngũ Lão (Hà Nội).
Công trình nổi tiếng thứ ba là nhà làm việc một tầng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn viên số nhà 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội mà gia đình đại tướng sinh sống.
Tòa nhà được bao quanh bởi một hiên sâu và có hai hành lang để thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới. May mắn hơn hai công trình trước, dãy nhà này vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Đặng Thái Hoàng còn được thượng tọa Thích Viên Thành, sinh thời trụ trì chùa Hương, mời thiết kế nhà tổ và Tàng kinh các ở chùa Thiên Trù, chùa Hương.
Hiện các công trình tôn giáo này vẫn được bảo tồn, mưa nắng của sông núi nơi đây chỉ nhuộm thêm cho công trình màu thời gian quý giá.
Nghệ thuật cứu rỗi
Ông Hoàng đến với thú sưu tập tranh, tượng như một nhu cầu thiết yếu của cá nhân nhưng bắt đầu một cách tình cờ.
Từ bức chân dung cha mình do nhạc sĩ Văn Cao vẽ tặng, thêm một số bức tượng nhỏ của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tặng gia đình trước và sau khi cha ông mất, thú đam mê sưu tập tranh, tượng đến với ông Đặng Thái Hoàng lúc nào không hay.
Chỉ vào bức tượng nhỏ của Điềm Phùng Thị, ông Hoàng cho biết nữ nghệ sĩ có mối quan hệ gần gũi với gia đình GS Đặng Thai Mai từ lâu.
Chính Đặng Thai Mai đã nhìn thấy tài năng và sự khác biệt của Điềm Phùng Thị (tên thật là Phùng Thị Cúc) từ rất sớm và đã gọi bà là "con chim lạc đàn" ngay từ thời kháng chiến chống Pháp.
Cho nên, sau này khi nghệ thuật mới mẻ của Điềm Phùng Thị phần nào được tiếp nhận bởi công chúng Hà Nội, Đặng Thai Mai rất mừng cho nữ nghệ sĩ tài hoa.
Từ những phát hiện của cha mình mà ông Hoàng đã sưu tập nhiều tranh, tượng của Điềm Phùng Thị, Lê Công Thành.
Tương tự, ông cũng nhìn thấy nhiều giá trị trong những tác phẩm của Việt Hải, Lê Lam, Cần Thư Công, Trần Hữu Chất, Trần Chắt, Đỗ Đức, Thành Chương, Lê Huy Tiếp, Phạm Viết Hồng Lam, Đỗ Phấn, Phạm Lực, Lê Trí Dũng, Nguyễn Ngọc Dân, Phạm Minh Hải, Phạm An Hải... từ sớm.
Trong gia tài tranh của Đặng Thái Hoàng còn có những tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái.
Tác phẩm Tết 1957 của họa sĩ Sỹ Ngọc ông Hoàng có được là do vợ của cố họa sĩ - bà Kim - tặng nhà lưu niệm Đặng Thai Mai.
Ông Hoàng cũng đặc biệt yêu những bức họa ghi dấu ấn thời đại như bức tranh 62 tuổi Nuôi cháu khỏe dạy cháu ngoan của Vũ Quốc Khánh hay những bức vẽ ký họa phong cảnh nông thôn thời chiến tranh chống Mỹ...
Hỏi ông lý do yêu thích sưu tập tranh tượng, ông Hoàng nói mình chỉ là người đi tìm và biểu dương cái đẹp. Đối với ông không có nghệ thuật, cuộc sống không có ý nghĩa gì, nghệ thuật có thể cứu rỗi nhiều hơn những thứ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận