Lấn gần hết đường của xe đi chiều ngược lại trên cầu Trường Tiền, Huế
Lái xe hung hăng, lái xe phòng thủ
Ngày nay, cảnh xe máy và ôtô chen lấn, bấm còi inh ỏi để giành đường, vượt ẩu hay chạy ngược chiều không hiếm gặp. Những hành vi như vậy được gọi là "lái xe hung hăng", một thuật ngữ phổ biến trong tâm lý học giao thông.
Các hành vi lái xe hung hăng thường xuất hiện trong tình trạng giao thông đông đúc, ùn tắc và ở những tài xế có tính cách bốc đồng, hay tức giận, thích hơn thua mà lại ích kỷ và kiểm soát bản thân kém.
Tuy nhiên, kể cả khi đường không đông, có những tài xế hung hăng vẫn không chịu nhường đường cho xe đi ngược chiều, chiếm đường không cho xe sau vượt hay chen hàng khi đợi đèn đỏ.
Những hành vi này gây bức xúc cho những người xung quanh, làm cho tâm lý họ trở nên tệ hại hơn, hành vi cũng sẽ trở nên hung hăng hơn để trả đũa.
Hậu quả là xảy ra ùn tắc, va chạm, tai nạn giao thông.
Đã có những vụ chỉ va chạm nhẹ, nhưng lại xảy ra án mạng sau đó vì sự hung hăng.
Ngược lại là "lái xe phòng thủ", tài xế sử dụng mọi kiến thức và kỹ năng để ba không: không gây tai nạn, không bị liên lụy vào tai nạn và không là nhân tố góp phần gây ra tai nạn.
"Phòng thủ" đòi hỏi người lái xe tập trung vào phân tích, đánh giá và phát hiện sớm mối nguy để phòng tránh. Nguy cơ có thể đến từ (i) bản thân tài xế, (ii) chiếc xe, (iii) đường sá, (iv) thời tiết, (v) ánh sáng và (vi) tình trạng giao thông.
Chẳng hạn, khi tài xế ở tình trạng mệt mỏi hay kích động hoặc uống rượu thì không lái xe, khi thời tiết xấu thì không lái xe, hay khi có khả năng bị ùn tắc thì chọn tuyến khác dù phải đi vòng.
Lái xe phòng thủ còn được gọi là lái xe an toàn.
Khẩu hiệu “Lái xe an toàn - tính mạng con người là trên hết” trên xe buýt Đà Nẵng - Huế
Tài xế giỏi là tài xế an toàn
Phạm Văn Hải, tài xế xe buýt tuyến Đà Nẵng - Huế, nói không chút đắn đo: "Tài xế giỏi là tài xế đảm bảo an toàn".
Còn Nguyễn Ngọc Tú, giáo viên dạy thực hành lái xe tại Huế, thậm chí còn cho rằng không có lái xe giỏi, bởi không tài xế nào dám khẳng định mình sẽ không để xảy ra sơ suất, mà sơ suất là tai nạn, là tính mạng con người. Một người lái xe chỉ nên tự hào khi cuối đời buông vô lăng mà không để xảy ra tai nạn nào.
Như vậy, có thể thấy, với các tài xế nghiêm túc, tay nghề cao thì an toàn là mối quan tâm hàng đầu chứ không phải là kỹ năng điều khiển xe.
Điều này thực ra không mới mà chính là quan điểm phổ biến về giao thông trên toàn thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, đáng tiếc là điều này lại khá thiếu vắng trong đào tạo lái xe của nước ta (cả dân sự và lực lượng vũ trang), về cả lý thuyết lẫn thực hành, ở cả lái xe môtô lẫn ôtô.
Do vậy, những người mới có GPLX hầu như hành xử kém an toàn. Hành vi của họ chỉ thay đổi qua thời gian, nếu có, là do tự ý thức, tự đào tạo, tự rèn luyện trong môi trường nghề nghiệp như hai người lái xe nêu trên.
Điều này rõ ràng là rất bất cập.
Mục đầu tiên của Sổ tay chính thức Lý thuyết kết thúc, tài liệu học kỹ thuật lái ôtô của Singapore, là Lái xe an toàn, bao gồm:
1. Tài xế giỏi không chỉ đơn thuần là người có đủ kỹ năng điều khiển xe thành thạo mà quan trọng hơn là một người an toàn. Ngoài việc đủ kỹ năng, người lái xe giỏi cũng phải kiên nhẫn, thận trọng và lịch sự. Phải có ý thức trách nhiệm đối với sự an toàn của những người tham gia giao thông khác, có khả năng tập trung, dự đoán và phản ứng phù hợp khi lái xe.
2. Lái xe an toàn đòi hỏi nhận thức đầy đủ về những gì người đi đường khác đang làm và có khả năng "giao tiếp" với họ. Thái độ đúng đắn đối với việc lái xe sẽ làm cho con đường trở nên an toàn hơn và dễ chịu hơn cho cả người đi bộ và người đi xe máy.
3. Trong giai đoạn đầu khóa học, điều cần thiết là học viên phải trau dồi những phẩm chất đúng đắn và học những kỹ thuật phù hợp. Những sai lầm lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen không thể dễ dàng sửa chữa.
Còn trong thực hành lái xe thì có bài học Huấn luyện dự đoán nguy hiểm, dài khoảng 110 phút.
Hệ thống cải thiện điểm lái xe (DIPS)
Tại Singapore, vi phạm giao thông của tài xế được quản lý bằng Hệ thống cải thiện điểm lái xe (Driver Improvement Points System) của Cảnh sát, từ năm 1983.
Một người lái xe vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tùy theo lỗi và mức độ sẽ phải chịu các hình phạt khác nhau, từ cao nhất là đình chỉ hiệu lực GPLX đến thấp nhất là phạt tiền và nhận điểm trừ. Các điểm trừ tích lũy đủ nhiều cũng sẽ đưa đến việc đình chỉ GPLX.
Nhưng khác với quy định bấm lỗ trước đây hay quy định trừ điểm do Bộ Công an đề xuất mới đây, DIPS còn cho phép cải thiện điểm, nghĩa là có phạt thì cũng có thưởng.
Tài xế có 12 tháng liên tục không vi phạm thì được xóa toàn bộ điểm trừ trước đó, có 24 tháng liên tục không vi phạm được xóa các lần đình chỉ trước đó. Hồ sơ của họ được tính như chưa từng vi phạm gì. Còn có 36 tháng liên tục không vi phạm thì còn được giảm giá và hưởng ưu đãi khi mua bảo hiểm.
Có thể thấy, các quy định này mang tính khuyến khích và "nhân văn" so với ở nước ta.
Đồng thời, cũng khác với quy định của Việt Nam, người bị tước GPLX có thể phải sát hạch lại hoặc cả học và sát hạch lại. Người lái xe Singapore bị đình chỉ GPLX lần 1 (12 tuần) và lần 2 (24 tuần) sẽ được cung cấp một khóa đào tạo lại để điều chỉnh hành vi lái xe, tham gia và vượt qua khóa đào tạo lại, họ sẽ được xóa án trong thời gian đình chỉ. Từ các lần đình chỉ sau, gồm thứ 3 (1 năm), thứ 4 (2 năm) và thứ 5 trở đi (3 năm) mới phải sát hạch lại, nhưng không phải học lại. Quy định này cũng hợp lý và nghiêm khắc hơn ở nước ta.
Như vậy, để có được những tài xế giỏi, tức tài xế an toàn, không chỉ đơn thuần từ bản thân người đó mà còn từ cả tâm lý xã hội, quá trình đào tạo và việc kiểm soát vi phạm giao thông hợp lý, đồng bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận