Chơi flycam ở khu vực kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM), người sử dụng đã nhận được cảnh báo thuộc khu vực cấm bay (vòng đỏ trên màn hình điện thoại) - Ảnh: T.T.D. |
Nhiều người chơi flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để quay phim, chụp ảnh) ở TP.HCM mấy ngày gần đây “la hoảng”: lệnh cấm đã bắt đầu áp dụng, khi màn hình đã xuất hiện thông báo vùng cấm bay!
Ông Nguyễn Minh Tân - ủy viên thường vụ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM, một người có thâm niên gần năm năm chơi flycam - cho biết: “Tôi vừa mới lấy một chiếc flycam mới và mang ra quay thử ở kênh Nhiêu Lộc. Khu vực này lâu nay vẫn quay bình thường, nhưng bây giờ thì trên màn hình đã hiện lên những quầng đỏ kèm theo thông báo vùng cấm bay”.
“Ở khu vực kênh Nhiêu Lộc mà cũng bị cấm nữa thì coi như dẹp flycam rồi” - ông Tân và nhiều bạn chơi flycam khác than thở. Và đó là lý do để Tuổi Trẻ tổ chức cuộc tọa đàm, nhằm giúp người chơi flycam tìm hiểu về vấn đề pháp lý trong vấn đề này.
Lợi ích của flycam
Ông Lê Xuân Thăng - phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - cho biết tại buổi tọa đàm rằng ở các cuộc thi ảnh gần đây, số lượng các ảnh dự thi được chụp bằng flycam tăng lên trông thấy.
Tận hưởng cảm giác vi vút giữa bầu trời, thu vào ống kính những góc máy đẹp đang là cảm hứng của nhiều tay máy trẻ đang gia nhập cộng đồng những người sử dụng flycam.
Hiệu quả ứng dụng của flycam trong việc quảng bá hình ảnh đất nước qua các chương trình Good Morning America của kênh truyền hình ABC (Mỹ) giới thiệu hang Sơn Đoòng, các đoạn phim giới thiệu trung tâm TP.HCM đang thay da đổi thịt, quốc kỳ Việt Nam ở Lũng Cú... đã được các nhiếp ảnh gia, đạo diễn tung ra khiến người xem thật sự ngây ngất.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết khi xem bộ phim truyền hình Dấu chân du mục mà đoàn phim quay ở Phan Rang với nhiều cảnh quay bằng flycam, nhiều người đã chia sẻ với anh: “Nếu không quay bằng flycam thì khó ai hình dung được phong cảnh ở đó đẹp đến vậy!”.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết so với cách quay phim với máy quay, chân quay phim... truyền thống thì sẽ không tạo ra những hiệu quả thị giác đẹp như bằng ứng dụng flycam.
Một cái lợi nữa của flycam ứng dụng trong phim ảnh được đạo diễn Đinh Thái Thụy đề cập là bảo đảm an toàn lao động lúc quay phim.
“Để có cảnh một người ngã xuống từ thác cao, nếu như quay theo cách trước đây là cột dây để quay phim lia máy theo người ngã... thì thường chúng tôi phải chuẩn bị 2 - 3 ngày, có khi còn không an toàn. Nhưng giờ đây, với một diễn viên và một người điều khiển flycam để bắt hình ảnh, chúng tôi chỉ tốn khoảng 2 - 3 giờ cho cảnh ấy, vừa hiệu quả lại an toàn!” - đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết.
Nhưng flycam nào chỉ phục vụ dân nhiếp ảnh và làm phim? Là dân xây dựng, lại chơi nhiếp ảnh nên nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Tân chia sẻ: “Trước đây, để báo cáo tiến độ thi công của các tòa cao ốc, công viên, sân golf... chúng tôi thường phải thuê một xe cần cẩu cho người đứng lên đó chụp hình.
Nhưng những xe cần cẩu như vậy lên cao được cùng lắm là 40 - 50m, nên không phải lúc nào cũng chụp được toàn cảnh. Giờ đây, với thiết bị flycam quay phim, chụp hình chúng tôi có báo cáo cho chủ đầu tư tường tận, một cách không thể... cụ thể hơn về tiến độ thi công! Có những tòa cao ốc rất cao, mà chỉ với flycam mới bay đến để chụp hình, quay phim được!”.
Một góc trung tâm TP.HCM được chụp bằng flycam - Ảnh: MINH TÂN |
Nên tổ chức thành câu lạc bộ
Tóm lại, flycam đang trở thành một cơn sốt. Nhiều cửa hàng xưa nay chỉ chuyên bán máy ảnh, thì nay cũng bắt đầu nhảy vào kinh doanh flycam khi nhu cầu người chơi ngày càng tăng cao.
Và trong khi đang hào hứng như vậy thì mọi người như “bật ngửa” với công văn của Bộ Quốc phòng đưa ra nhằm nhắc nhở các địa phương chấn chỉnh, kiểm tra tình hình sử dụng flycam.
Từ công văn của Bộ Quốc phòng, dân chơi flycam lại thêm một lần “bổ ngửa” khi biết được đã có quy định về chuyện này bởi nghị định 36 của Chính phủ ban hành năm 2008. “Lỗ hổng” về kiến thức pháp luật đối với người dân - mà ở đây là người sử dụng flycam - lại càng lộ rõ hơn khi mọi người đặt ra câu hỏi: Năm 2008 đã có flycam đâu mà có quy định về pháp luật đối với nó?
Người ta quên rằng nghị định 36 hoàn toàn có cơ sở để điều chỉnh flycam, vì nội dung nghị định nêu rõ: “Về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”! Chưa kể, đến tháng 9-2011 Chính phủ có tiếp nghị định 79 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 36/2008.
Những người sử dụng flycam có mặt tại cuộc tọa đàm còn choáng hơn khi ông Lương Hoài Nam - tổng giám đốc Công ty hàng không Hải Âu - đứng lên phân tích các vấn đề liên quan đến quy định về hàng không. Ví dụ dễ hiểu nhất là nếu lấy sân bay Tân Sơn Nhất là tâm thì bao quanh nó là một vùng cấm bay có hình trụ với đường kính 30km và độ cao là... 3.000m!
Nhiều người thảng thốt: Như vậy, tất cả những người sử dụng flycam ở TP.HCM đều sai phạm?
Ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không - cười và cho biết: “Đúng vậy, nếu như người sử dụng flycam không xin phép”. Tuy nhiên, ông Thanh cũng trấn an: “Nên hiểu ở đây không phải là cấm hoàn toàn, mà các anh muốn bay thì phải xin phép!”.
Nhưng giải thích này tiếp tục làm bùng lên những thắc mắc khác từ những người chơi flycam. Nếu từ TP.HCM muốn bay flycam phải ra Cục Tác chiến ở Hà Nội xin phép hay sao?
Thời gian cấp phép là bao lâu?... Các nhiếp ảnh gia, đạo diễn chơi flycam có mặt trong buổi tọa đàm đều bày tỏ rằng họ mong muốn được chơi flycam theo đúng quy định pháp luật.
Trước tâm tư này của những người chơi flycam, ông Lại Xuân Thanh đề nghị Hội Nhiếp ảnh TP.HCM nên thành lập một CLB người chơi flycam. CLB này sẽ hoạt động như CLB hàng không được quy định trong nghị định 36.
Khi ấy hội sẽ thay mặt anh em xin phép Cục Tác chiến của Bộ Quốc phòng về những vùng có thể bay flycam cho mong muốn sáng tác của các nhiếp ảnh gia. Trước đề xuất này, ông Lê Xuân Thăng, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, cho biết sẽ tham vấn thêm ý kiến của các luật sư để hi vọng mở cánh cho giấc mơ bay của người chơi flycam theo đúng quy định pháp luật!
Sao không ứng xử như với xe máy? Những đạo diễn, nhà quay phim chuyên nghiệp cho biết họ đi quay bao lâu nay đều đơn giản chỉ xin phép chính quyền địa phương và rồi cũng không ai nói gì. Thậm chí, có người còn làm chương trình cho lực lượng công an và được tạo điều kiện rất thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ về nghị định 36 thì mới thấy những sự đồng ý từ chính quyền địa phương cũng sai quy định, bởi chỉ có một nơi duy nhất được cấp phép là Cục Tác chiến của Bộ Quốc phòng! Nhà quay phim Nguyễn Trường đưa ra một đề xuất: ”Xe máy có nhiều loại khác nhau, vậy nên mới có việc xe dưới 50cm3 thì khỏi cần giấy phép, xe từ 50cm3 đến dưới 175cm3 thì cần giấy phép A1, xe từ 175cm3 trở lên thì phải bằng A2. Vậy tại sao lại không linh động như vậy trong việc quản lý “tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”? Bởi một chiếc flycam rất nhẹ, nhỏ và chỉ bay có 120m về độ cao thì phải khác với khinh khí cầu, máy bay không người lái thứ thiệt... Ông Lại Xuân Thanh cho rằng đó là một ý kiến đáng lưu ý, và ông hứa sẽ về trình bày với các cơ quan chức năng. |
Nhất trí đề xuất lập câu lạc bộ flycam Trong cuộc thăm dò bỏ túi 10 vị khách tham dự tọa đàm, 100% ý kiến cho rằng phương tiện flycam phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. 100% ý kiến cho rằng flycam là ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc, đem đến những hình ảnh đẹp và sinh động của đất nước. Nhiếp ảnh gia Thái Tôn Hạo nêu ý kiến flycam là vô hại vì trần bay cao nhất chỉ 250m. Các ý kiến khác đồng ý rằng nên lập câu lạc bộ flycam để những người yêu thích flycam có thể tiếp tục giấc mơ bay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận