05/03/2017 10:28 GMT+7

Người chết vẫn ký hợp đồng tặng nhà?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Cơ quan công chứng chỉ căn cứ ủy quyền để chứng thực hợp đồng tặng cho nhà mà không biết rằng tại thời điểm đó, người ủy quyền đã chết.

Tháng 6-2007, bà Kiều Thị Đây đến Phòng công chứng số 6 (TP.HCM) lập hợp đồng ủy quyền cho con gái là bà Kiều Thị Cho Em quản lý, sử dụng căn nhà số 24 Nguyễn Công Trứ, P.19, Q.Bình Thạnh. 

Sau khi bà Đây chết, bà Em đã lập hợp đồng tặng căn nhà cho bà Nguyễn Thị Loan (ngụ Q.Bình Thạnh). Từ đó đến nay, căn nhà đã được tặng cho hai người khác.

Hiện nay, trên giấy tờ chủ sở hữu căn nhà là bà N.T.M.C., nhưng người quản lý sử dụng lại là bà Lê Thị Hoa (con gái thứ 3 của bà Kiều Thị Đây).

Công chứng viên không biết?

Bà Hoa gửi đơn khiếu nại đến Phòng công chứng số 6 và Sở Tư pháp TP.HCM vì cho rằng phòng công chứng lập hợp đồng tặng căn nhà khi hợp đồng ủy quyền đã hết hiệu lực là trái quy định của pháp luật.

Hiện nay, Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM đã ngăn chặn, không cho chuyển nhượng, thực hiện các giao dịch đối với căn nhà trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thiện Căn (trưởng Phòng công chứng số 6) cho biết khi ký hợp đồng tặng cho nhà, công chứng viên không hề biết bà Kiều Thị Đây đã qua đời.

“Theo quy định pháp luật, khi người lập hợp đồng ủy quyền chết thì hợp đồng này hết hiệu lực. Tuy nhiên khi lập hợp đồng tặng cho căn nhà, đương sự không cho biết người ủy quyền đã qua đời nên công chứng viên không thể biết được ủy quyền còn hiệu lực hay hết hiệu lực” - ông Căn cho biết.

Theo ông Căn, khi thực hiện các hợp đồng công chứng thì đương sự phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của văn bản do mình xuất trình. Nếu công chứng viên nghi ngờ có gian dối thì có thể kiểm tra và tổ chức đi xác minh.

Tuy nhiên, việc tiến hành xác minh phải có yêu cầu của đương sự chứ công chứng viên không thể tự ý làm.

“Cảnh giác” với công chứng ủy quyền

Công chứng viên Nguyễn Đức Phương cho rằng hiện nay có khoảng trống pháp luật về công chứng ủy quyền. Người được ủy quyền có thể không hiểu biết pháp luật hoặc không trung thực, công chứng viên không thẩm tra kỹ hồ sơ sẽ dẫn đến sai sót.

Tuy nhiên, nếu công chứng viên làm hết trách nhiệm sẽ hỏi xem người ủy quyền còn sống hay đã chết, hợp đồng còn hiệu lực hay không... Nếu biết người ủy quyền đã chết mà vẫn thực hiện hợp đồng thì công chứng viên đã vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp và có thể bị xử lý hình sự.

Theo luật sư Lê Phước Trung, Bộ luật dân sự quy định hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong trường hợp bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết. Tuy nhiên, vẫn thường xảy ra trường hợp “tréo ngoe” như câu chuyện ở trên.

Công chứng viên chỉ căn cứ vào hợp đồng ủy quyền do đương sự cung cấp mà không thẩm tra hay xác minh kỹ đương sự về người ủy quyền hiện nay như thế nào. Vì vậy tài sản của người đã chết để lại được tặng - cho chứ không được khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Đây là vấn đề pháp luật dân sự về hợp đồng ủy quyền chưa dự liệu hết, cần phải điều chỉnh và quy định rõ hơn, tiến tới chấm dứt việc này xảy ra trong thời gian tới.

Có thể khởi kiện tuyên hợp đồng vô hiệu

Theo luật sư Lê Phước Trung, các đồng thừa kế của bà Kiều Thị Đây nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng tặng - cho vô hiệu.

Khi thụ lý vụ án, tòa án cũng sẽ giải quyết các hậu quả kèm theo nếu hợp đồng tặng - cho bị hủy.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp