Phóng to |
“Vị học giả” của làng
Dẫn chúng tôi về ngôi nhà nằm cạnh khu chợ người Việt khá sầm uất bên bờ biển Vạn Mỹ, ông Phương cho hay trước đây gia đình ông sống trên TP Phòng Thành nhưng từ khi nghỉ hưu ông chuyển về Vạn Mỹ để sống cùng bà con đồng tộc cho vui hơn.
Ông Phương tự hào rằng mình tuy là người TQ nhưng cũng đã từng làm... bộ đội VN đánh Mỹ trong bốn năm (1965-1969). Khi ấy ông là bộ đội công binh TQ sang VN xây dựng cầu cống của một số tỉnh miền Bắc VN.
“Điều sung sướng nhất với tôi là đi đến đâu bà con mình cũng xem tôi là người Việt, coi tôi như anh bộ đội cụ Hồ” - ông Phương bồi hồi kể. Và trong thời gian ấy bà con đã dạy ông Phương học viết chữ Việt để bây giờ ông trở thành người thạo chữ Việt nhất trong cộng đồng người Kinh tộc trên đất Trung Hoa.
Ông Phương không nhớ mình đã dạy chữ Việt cho bao nhiêu người TQ. Từ hồi đi bộ đội VN về ông đã tham gia làm giáo viên xóa mù chữ cho cộng đồng Kinh tộc của ba làng người Việt sống trên Tam Đảo.
Ông Phương cho hay người Kinh tộc sống tập trung ở ba hòn đảo Vu Đầu, Sơn Tâm và Vạn Mỹ nên bên này thường gọi là Tam Đảo. Hiện nay nhà nước TQ đã làm những con đường nối ba đảo lại với nhau nên tên gọi “ Tam Đảo” ít được nhắc đến.
Những năm TQ mở cửa thông thương với VN, khi ấy ông là cục phó Cục Công an TP Phòng Thành, vào những ngày chủ nhật ông tranh thủ dạy tiếng Việt cho khá nhiều doanh nhân TQ muốn sang làm ăn với VN.
Những năm gần đây do bận nhiều công việc dịch thuật và sưu tầm, ông không mở lớp dạy tiếng Việt như trước, tuy nhiên nếu ai có nhu cầu học, ông cũng đều gắng thu xếp thời gian để dạy chữ cho họ.
Không những thạo chữ Việt, nói tiếng Việt hay như... người Việt, ông Phương còn thạo chữ Nôm. Để biết được thứ tiếng quí hiếm này trên đất Trung Hoa, ông đã học được từ... ông bố vợ tên là Nguyễn Kỳ Phúc. Lúc còn sống, cụ Phúc thấy anh con rể hay học hỏi, đã truyền cho ông Phương học chữ Nôm.
Cách đây hơn chục năm, tình cờ ông đọc được một tờ báo trong nước nói rằng chữ Nôm hiện nay đang bị thất truyền, ông đã tự đi vận động những người thích học chữ Nôm trong cộng đồng Kinh tộc của ba làng người Việt đến nhà ông để ông “truyền chữ”.
Bảo tồn văn hóa Việt
Dẫn tôi đi thăm thư phòng của mình ở Vạn Mỹ, ông Phương cho hay đến nay ông đã ghi chép, sưu tầm được hàng chục bản sách nói về dân tộc Kinh trên đất Trung Hoa.
Về sự tích làng Vạn Mỹ, Vu Đầu, Sơn Tâm của đồng bào Kinh tộc hiện nay đều được ông ghi chép cẩn thận vào những quyển sách ghi bằng hai thứ tiếng Việt - Hoa. Mở đầu cuốn sách Người Kinh tộc ở Trung Hoa, có chép: “... Cha ông quê ở Đồ Sơn.
Làm biển bắt cá mới về Phúc Yên...”. Ông Phương giải thích: “Cộng đồng Kinh tộc là một dân tộc thiểu số trong 56 dân tộc của đại lục rộng lớn. Những năm gần đây được nhà nước TQ đánh giá là một trong những dân tộc thiểu số có mức sống khá giả nhất”.
Ông Phương kể hồi còn công tác trên Phòng Thành, một lần ông đã được nghe nguyên tổng bí thư, chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân nói: “Một dân tộc không có văn hóa là một dân tộc đang dẫn đến tiêu vong”.
Từ đấy ông âm thầm, cặm cụi ghi chép hoàn thiện hàng chục cuốn sách sử của cộng đồng Kinh tộc. Để làm được việc này ông đã dành khá nhiều thời gian đi gặp các cụ cao niên trong cộng đồng, sưu tầm các sách của dân tộc Trung Hoa nói về dân tộc thiểu số Kinh tộc.
“Đi sâu vào tìm hiểu về dân tộc mình trên đất đại lục, tôi nghiệm ra rằng người Việt mình sống ở đâu cũng có chất kiên cường, có anh hùng - ông Phương tay lật giở sách sử chép, nói - Ngay trên vùng Tam Đảo này thôi, người Việt ta cũng có hai vị anh hùng được lưu vào sử sách Trung Hoa.
Hai vị đó là Đỗ Quang Huy và Tô Quang Thanh đã có công tổ chức đồng bào Kinh tộc đánh lại giặc Tây xâm lấn biên cương hồi thế kỷ 19. Hai vị này lúc còn sống đã được vua Quang Tự nhà Thanh phong làm tướng và khi chết đã được triều đình nhà Thanh phong thần. Đình làng Vạn Mỹ hiện nay vẫn thờ hai vị này”.
Ông Phương cho hay đình làng Vạn Mỹ còn thờ cả Hưng Đạo đại vương đánh giặc Nguyên cùng bốn vị đại vương khác có công khai sơn trấn hải giúp dân làng.
Không những chỉ là người chép sử cho làng, ông Phương còn sưu tầm những lời ca, tiếng hát của đồng bào Kinh tộc và tự đi vận động bà con hát theo những làn điệu đã được ông soạn chép. Hằng năm vào những dịp lễ hội ba làng, bà con Kinh tộc lại tập trung về những ngôi đình nghe những làn điệu chèo, hát ả đào...
Ông Phương khoe vừa rồi Trường đại học Dân tộc Quảng Tây làm cuốn sách 6.000 câu nói tiếng Việt, trường có cử các giáo sư xuống gặp ông và nhờ ông góp sức xây dựng cuốn sách.
Cùng đồng sức với ông trong việc bảo tồn văn hóa Việt hiện nay ở làng Vạn Mỹ còn có nhiều cụ già trong cộng đồng say mê bảo tồn văn hóa Việt. Đặc biệt ở gia đình ông Phương, hai cô con dâu là người Hán nhưng đều nói tiếng Việt làu làu.
Ông Phương cho hay giờ đây ông đang gấp rút hoàn thiện việc dịch hai cuốn Truyện Kiều và Tống Trân - Cúc Hoa bằng chữ Nôm sang tiếng Hoa.
Tâm nguyện của ông Phương là hai bản truyện này với những cuốn sách sử của làng mà ông dày công biên soạn sẽ được xuất bản ra mắt cộng đồng bà con người Việt trên đất Trung Hoa và để bà con trong nước hiểu hơn về cộng đồng Kinh tộc trên đất đại lục. Ông nói với tôi: “Dân ta phải biết sử ta chứ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận