07/08/2019 13:22 GMT+7

Người chạy xích lô 'chặt chém' khách Nhật 2,9 triệu đồng phạm tội gì?

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Người chạy xích lô “chặt chém” du khách Nhật 83 tuổi đã bị Công an quận 1, TP.HCM tạm giữ để xem xét xử lý hình sự. Và dư luận băn khoăn hành vi trên sẽ bị xử lý theo tội danh gì?

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trưa 6-8, Công an quận 1, TP.HCM đã tạm giữ ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ quận 4) để làm rõ việc ông này "chém" du khách Nhật là ông Oki Toshiyuki (83 tuổi) 2,9 triệu đồng.

Khai nhận việc với cơ quan công an, ông Dũng cho biết vào khoảng 6h30 sáng 3-8, ông chạy xích lô quanh khu vực công trường Mê Linh, quận 1 thì ông Oki nhờ chở về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé. 

Đến vị trí cách khách sạn 100m thì ông Dũng trả khách xuống. Lúc này ông Oki móc ví trả cho ông Dũng tiền công là 500.000 đồng (tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng). Thấy vậy, ông Dũng "xin thêm". Ông Oki lục ví để đưa thêm. 

Do thấy ông Oki rút tiền chậm nên ông Dũng thò tay phải rút hết số tiền còn lại trong ví là 4 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng rồi chạy đi. Tổng cộng ông Dũng "chém" ông Oki đến 2,9 triệu đồng cho cuốc xích lô rất ngắn.

Video từ camera ghi lại hành trình cụ Oki được xích lô chở về khách sạn-Video: CACC

Hiện Công an quận 1 đang củng cố hồ sơ để xử lý hình sự ông Dũng về hành vi "cướp giật tài sản".

Về xác định tội danh của người đạp xích lô, các luật sư có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là hành vi "cướp giật tài sản" nhưng cũng có ý kiến khẳng định đó là "công nhiên chiếm đoạt tài sản".

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Người chạy xích lô chặt chém khách Nhật 2,9 triệu đồng phạm tội gì? - Ảnh 2.

Luật sư Vũ Quang Đức - Ảnh: NVCC

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), hai tội danh trên có nhiều dấu hiệu định tội giống nhau. Khác nhau cơ bản của hai tội danh này ở chỗ: tội cướp giật là chiếm đoạt nhanh chóng tài sản rồi rời đi; công nhiên chiếm đoạt là lợi dụng hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như thiên tai, địch họa, tai nạn... để chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: kẻ gian lợi dụng người đang đi toilet bên đường để chiếm đoạt xe đang dựng trên đường; lợi dụng trẻ em ngây thơ, không hiểu biết để chiếm đoạt tiền, trang sức; lợi dụng người câm, mù để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng người già hay bệnh yếu đến mức không thể phản kháng được (tri hô, giành giật lại, chống trả lại...)… là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc du khách Nhật bị người đạp xích lô lấy tiền trong ví thì ông khách đã già, phản xạ kém, bất đồng ngôn ngữ… đó là những yếu tố về hoàn cảnh chi phối đến khả năng phản ứng, ngăn cản hành vi chiếm đoạt tiền từ ông xích lô. 

Nếu cướp giật thì phải nhanh chóng giật luôn cái ví để tẩu thoát, đằng này người đạp xích lô chỉ lấy tiền trong ví, nghĩa là có khoảng thời gian lựa chọn hành động. Bên cạnh đó, thông thường đối tượng cướp giật tài sản thì phải có ý định từ đầu và không ai sử dụng phương tiện là xích lô để đi cướp giật.

 "Vì vậy, tôi nhận định hành vi lấy tiền của ông xích lô có dấu hiệu tội công nhiên chiếm đoạt tài sản" - luật sư Đức nhận định.

Tội cướp giật tài sản

Người chạy xích lô chặt chém khách Nhật 2,9 triệu đồng phạm tội gì? - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Huy Việt - Ảnh: NVCC

Quan điểm ngược lại, luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của ông xích lô có dấu hiệu của tội cướp giật tài sản.

Theo luật sư Nguyễn Huy Việt, ý định cướp giật tài sản của người đạp xích lô phát sinh từ thời điểm chờ ông khách già lấy tiền do đánh giá khả năng có thể chiếm đoạt và bỏ chạy tại thời điểm đó. Người đạp xích lô nhìn thấy tương quan với đối tượng bị hại về tuổi tác, sức khỏe, ngôn ngữ, phương tiện… khó có thể ngăn cản, đuổi kịp.

Còn về phần ông lão du khách, ông lão không rơi vào hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản. Ông lão vẫn kiểm soát được tài sản của mình. Ông lão không đứng yên, ông lão vẫn muốn tự mình lấy tiền cho thêm nhưng bị cướp giật. 

Đồng thời có lẽ do quá sốc trước hành vi bất ngờ thò tay rút hết tiền trong ví của người đạp xích lô nên ông không phản ứng kịp. Cần nhìn khách quan trong bối cảnh văn hóa của ông khách. Ông này lớn lên tại Nhật thì sẽ rất xa lạ, sẽ sốc trước hành vi "cướp cạn".

Tốc độ của xích lô cơ bản là không nhanh. Chưa ai dùng xích lô để đi cướp giật. Tuy nhiên xét trong tương quan lực lượng giữa ông xích lô và bị hại thì phía ông xích lô có lợi thế để chiếm đoạt tài sản và tẩu thoát. Và thực tế đã chứng minh cho điều này. 

"Vì vậy nhận định đối với hành vi của ông xích lô thiên về dấu hiệu tội danh cướp giật tài sản. Còn lại phải đợi kết quả xử lý cụ thể từ cơ quan chức năng…" - luật sư Việt nói.

Trích xuất camera nhanh chóng tìm người đạp xích lô

Ngay khi nhận thông tin trình báo từ ông cụ Oki, Công an phường Bến Nghé đã báo cáo Công an quận 1 vào cuộc truy tìm người đạp xích lô.

Qua trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera tại khu vực tương ứng lộ trình di chuyển, cơ quan công an đã có hình ảnh ông Dũng chở cụ Oki trên xích lô. Bằng nghiệp vụ cơ bản, cơ quan công an xác định được nhân thân của ông Dũng và qua động viên từ cơ quan công an, ông Dũng đã ra trình diện và thừa nhận hành vi.

Người đạp xích lô thừa nhận

TTO - Công an quận 1, TP.HCM vừa tìm được người đàn ông chạy xích lô lấy 2,9 triệu đồng của du khách Nhật, gây bức xúc dư luận và khẳng định sẽ củng cố hồ sơ xử lý hình sự người này.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp